Bệnh nấm đen gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh

Ông Nguyễn Văn Thụ ở đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, Hà Nội bị Covid-19 từ tháng 1/2022. Vì bệnh nặng nên ông Thụ phải thở ECMO và điều trị hơn 20 ngày ở BV Đức Giang. Ra viện chưa được bao lâu thì ông Thụ có triệu chứng đau cột sống.

Ông Thụ đã đi nhiều bệnh viện, chụp X quang, thử máu, điều trị dạ dày, cột sống nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Những cơn đau vẫn hành hạ khiến ông không thể đi lại được.

Cho đến lần cuối vào tháng 9 vừa qua, ông nhập viện khoa phẫu thuật chỉnh hình, BV Bạch Mai, được phẫu thuật và làm sinh thiết phần đốt sống bị tổn thương mới tìm ra nguyên nhân gây đau và hoại tử xương là do bị nhiễm nấm đen. Ông được chuyển đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới TW để điều trị tiếp.

Ban đầu chỉ đau ở cột sống, đau dâm dan, dây thần kinh tỏa xuống xương sườn. Đầu tiên đi được nhưng hơn 1 tháng sau là không thể dậy, không thể đi được. Từ khi sang TT Bệnh Nhiệt đới, 6-7 ngày rồi, điều trị truyền thuốc nấm, đã đỡ 70% rồi” –ông Nguyễn Văn Thụ chia sẻ.

Ths.BS Nguyễn Quốc Thái – TT Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho gần 30 bệnh nhân nhiễm nấm đen. Trường hợp ông Thụ vẫn là phát hiện sớm, có nhiều bệnh nhân điều trị muộn, nấm đen đã gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

“Việc phát hiện đã khó nhưng phát hiện rồi và điều trị bệnh cũng khó và nan giải. Hiện nay may mắn là bệnh này mới khu trú được một chỗ trên cơ thể của người bệnh nhưng nếu trong trường hợp nếu không điều trị thì sẽ lan rộng ra nhiều cơ quan, bộ phận khác thì việc điều trị nan giải vô cùng… Nấm ăn vào xương gần sọ thì bệnh nhân tử vong, cũng có bệnh nhân tử vong do thuốc điều trị. Thuốc điều trị đã đắt rồi nhưng nhiều khi tác dụng phụ của thuốc cũng nan giải, nó gây thiếu máu chẳng hạn, bệnh nhân truyền máu gây tổn hại dẫn đến tử vong. Hoặc thuốc gây tổn thương thận, rối loạn hết chất muối trong cơ thể, nếu chất muối trong cơ thể tăng cao thì gây ngừng tim”

Ngay cả khi đã điều trị khỏi thì những tổn thương của bệnh vẫn nặng nề. Như trường hợp ông Thụ, nhờ được dùng thuốc điều trị nấm, hiện tình trạng bệnh của ông Thụ đã được kiểm soát song những tổn thương xương mà ông đã phải chịu thì không có cách nào có thể hồi phục.

Nhiều bệnh nhân đã không thể duy trì điều trị

Khác với bệnh nhân nhiễm nấm thông thường là chỉ khu trú một chỗ, nấm đen có thể lan ra nhiều bộ phận trong cơ thể nên việc điều trị phải kết hợp với nội khoa, ngoại khoa, bệnh lý nền…

Hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ có hướng dẫn chung cho các bệnh nhân nhiễm nấm, chưa có hướng dẫn dành riêng cho bệnh nhân nhiễm nấm đen. PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, hiện thuốc chống nấm truyền tĩnh mạch là Amphotericin B đang được sử dụng điều trị nấm đen, thời gian điều trị giai đoạn tấn công khoảng 2-4 tuần. Tuy nhiên thuốc này có nhiều độc tính, gây nhiều phản ứng phụ và rất đắt tiền, BHYT chỉ chi trả 50%.

Sau khi bệnh nhân xuất viện, việc duy trì điều trị cũng gặp nhiều khó khăn do thuốc phải nhập khẩu, giá thành đắt. Nếu điều trị liên tục, mỗi bệnh nhân sẽ phải bỏ ra khoảng 70.000.000đ – 80.000.000đ/tháng. “Bệnh nhân thường bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị, do đó bệnh dễ bị tái phát trở lại, nấm có thể ăn sâu thêm và tổn thương nặng nề hơn. Đó là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao cho nhóm bệnh này

Liệu có mối liên quan giữa bệnh nấm đen và Covid-19?

Theo báo cáo, bệnh nấm đen gia tăng chủ yếu ở những nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Hiện, các bác sĩ vẫn đang nghiên cứu về mối liên quan giữa bệnh nấm đen và Covid-19, tuy nhiên, đã có báo cáo từ một số cơ sở y tế cho thấy, bệnh cũng đã xuất hiện ở những bệnh nhân Covid-19 nặng, từng phải thở máy, bị suy giảm miễn dịch và mắc bệnh lý nền như đái tháo đường, ung thư, dùng thuốc corticoid kéo dài…

Loại ký sinh trùng nấm đen có trong môi trường, không khí. Nếu người khỏe mạnh, bệnh có thể xâm nhập nhưng nếu hệ miễn dịch tốt thì sẽ không phát thành bệnh. Còn nếu người đã bị suy giảm miễn dịch, mắc bệnh lý nền nếu có triệu chứng ở vùng mũi, xoang, viêm nhiễm vùng hàm, mặt hay mắt… thì nên đi khám ngay.