Liệu pháp miễn dịch trong điều trị các bệnh lý khối u – đặc biệt là bệnh lý ung thư, đã được phát hiện từ những năm cuối của thế kỷ 19 và ngày càng được các nhà khoa học trên thế giới và trong nước nghiên cứu, phát triển và áp dụng vào thực tiễn điều trị bệnh.
Hiện tại miễn dịch là một trong những liệu pháp điều trị đặc hiệu và là bước tiến mới nhất trong điều trị ung thư. Liệu pháp này có điểm gì khác với các phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị?
Theo BS Bùi Quang Lộc - Trưởng đơn nguyên ung thư tiêu hóa, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị là phương pháp điều trị trực tiếp vào tế bào khối u. Với liệu pháp miễn dịch, lý do mà tế bào ung thư có thể phát triển trong cơ thể là do nó có khả năng trốn khỏi sự truy tìm của hệ thống miễn dịch. Các liệu pháp miễn dịch sẽ giúp đánh dấu tế bào ung thư, từ đó có thể giúp hệ thống miễn dịch dễ dàng hơn trong việc nhận diện khối u và tiêu diệt chúng. Có nghĩa phương pháp này giúp giải phóng sự hoạt hóa của tế bào lympho T – là tế bào miễn dịch, để kích thích tế bào lympho T tiêu diệt khối u, khác với các phương pháp khác là tiêu diệt trực tiếp vào tế bào khối u.
Liệu pháp miễn dịch hiện được chỉ định điều trị đối với cả ung thư tạng đặc và ung thư máu như ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, đại tràng, ung thư gan, ung thư da, nội mạc tử cung, cổ tử cung và một số loại ung thư khác. Tuy nhiên không phải giai đoạn nào cũng có chỉ định điều trị bằng phương pháp này.
“Ung thư phổi không tế bào nhỏ hiện giờ đã áp dụng cho giai đoạn 3,4; ung thư dạ dày, gan, đại trực tràng hiện mới chỉ áp dụng cho giai đoạn muộn, đã di căn” – BS Lộc cho biết.
Thời gian điều trị cũng phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn ung thư. Tuy nhiên người ta nhận thấy đặc điểm của điều trị miễn dịch là kích hoạt hệ thống bảo vệ tự thân vì thế khi bệnh nhân đáp ứng với điều trị thì thông thường sẽ đáp ứng một cách rất bền vững.
“Hiện tại nhiều thử nghiệm lâm sàng, ngay cả ở giai đoạn di căn nhiều thì cũng sẽ dừng lại sau 35 chu kỳ điều trị (khoảng 2 năm). Nhờ tính sinh miễn dịch bền vững như vậy cho nên rất có thể trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ dừng lại ở 2 năm để đỡ tốn kém. Tuy nhiên phải chờ kết quả thử nghiệm lâm sàng trước khi áp dụng vào đời sống” - BS Lộc thông tin.
Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai liệu pháp điều trị miễn dịch từ vài năm nay, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy phần lớn bệnh nhân đáp ứng tương đối tốt với phương pháp điều trị này.
Cũng như các phương pháp điều trị ung thư khác, liệu pháp miễn dịch cũng có tác dụng phụ trên bệnh nhân, tuy nhiên mức độ nặng thì ít hơn so với các phương pháp khác. BS Bùi Quang Lộc cho biết: “Hay gặp là tác dụng phụ lên da, đường tiêu hóa, gan, phổi. Những tác dụng phụ này thường được kiểm soát 1 cách tương đối dễ dàng bằng các thuốc ức chế miễn dịch, cụ thể là các thuốc corticoid. Tuy nhiên có các tác dụng phụ đặc biệt hiếm gặp nhưng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao như tác dụng phụ lên tim mạch. Chính vì vậy khi mà điều trị bằng các thuốc miễn dịch, bác sĩ phải tư vấn kỹ cho bệnh nhân”.
Cùng với những tiến bộ trong điều trị ung thư bằng các phương pháp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, trong tương lai gần liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị có nhiều triển vọng đối với bệnh ung thư.