Theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các tổ chức xã hội có thể đóng góp từ 25-50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Từ trước tới nay hoạt động của các tổ chức xã hội hay các nhóm dựa vào cộng đồng phần lớn nhờ vào ngân sách tài trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay và trong thời gian tới, các tổ chức quốc tế tiếp tục cắt giảm hỗ trợ tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta. Vì vậy cần có một cơ chế bền vững để duy trì các hoạt động này.

Hiện một số quốc gia như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines...đã sử dụng hình thức “Hợp đồng xã hội” để huy động các tổ chức xã hội tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thông qua việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

Hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS là: Một bản hợp đồng có tính ràng buộc về pháp lý giữa bên A (đại diện 1 đơn vị của nhà nước) và bên B (1 đơn vị ngoài nhà nước - ở đây là Tổ chức xã hội), qua đó bên A trả tiền để bên B cung cấp các dịch vụ được yêu cầu với chi phí theo thỏa thuận.

Cục phòng chống HIV/AIDS đã phối hợp với các đối tác của Chương trình Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng chống HIV/AIDS gọi tắt là PEPFAR bao gồm USAID, USCDC và cùng với Cơ quan phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS gọi tắt là UNAIDS xây dựng và trình Bộ Y tế phê duyệt “Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội”. Mục tiêu là thí điểm mua sắm 4 gói dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp thông qua hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu:

1. Cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho người có hành vi nguy cơ và chuyển gửi người có nhu cầu vào điều trị Methadone

2. Xét nghiệm HIV tại cộng đồng và chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm có phản ứng HIV đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định

3. Kết nối và chuyển gửi người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV

4. Kết nối và chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và đủ điều kiện vào điều trị PrEP

Niềm tin sông Tiền là 1 trong 2 doanh nghiệp tham gia phòng chống HIV/AIDS của tỉnh Tiền Giang. Anh Lê Tiến Cường, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Hiện tại hợp đồng xã hội là phương án thí điểm mang tính bền vững nhất cho doanh nghiệp để tiếp tục cống hiến cũng như hỗ trợ cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và đặc biệt là cho Tiền Giang. Khi tham gia hợp đồng xã hội thì không chỉ bản thân tôi mà thành viên của Niềm tin sông Tiền được nâng cao năng lực cho chính bản thân rất là nhiều , đặc biệt tham gia các buổi tập huấn để phát triển hơn trong công cuộc hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS.

Ca tiếp cận, đánh giá nguy cơ, xét nghiệm HIV âm tính đạt 100%; kết nối điều trị PrEP; chuyển gửi làm xét nghiệm khẳng định và kết nối điều trị ARV cũng có con số ấn tượng khi lên đến 100% - đây là những thành tích mà Niềm tin sông Tiền đạt được sau 1 năm thời gian triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội. Ngoài ra còn có những giá trị khác không đong đếm được.

Vấn đề tâm đắc là mình hỗ trợ được cho rất nhiều người, trong đó có những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, gần đây nhất là 1 bạn không có bảo hiểm y tế, không có giấy tờ tùy thân thì mình phải tìm được công việc làm cho các bạn, phải đăng ký tạm trú, tạm vắng, kết nối sao cho bạn có bảo hiểm y tế để bạn vô điều trị - anh Lê Tiến Cường, Giám đốc doanh nghiệp thông tin.

Một đại diện khác, tiên phong thực hiện thí điểm hợp đồng xã hội tại Đồng Nai đó là Doanh nghiệp xã hội Hưng Vũ. Đánh giá về ý nghĩa của mô hình hợp đồng xã hội, anh Trần Hưng – đại diện Doanh nghiệp xã hội Hưng Vũ chia sẻ: "Nhà tài trợ rút dần cho nên các chi phí ngày càng giảm và không thể bền vững về lâu về dài. Hợp đồng xã hội là bước đệm để bọn em có thể ký kết với cơ sở nhà nước và phục vụ cộng đồng lâu dài hơn. Khách hàng sắp tới của Doanh nghiệp Hưng Vũ sẽ hỗ trợ tư vấn chuyển gửi các bạn đang dự phòng cũng như muốn điều trị vào cơ sở y tế công và sẽ tiếp tục thí điểm hợp đồng xã hội".

Cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu (hợp đồng xã hội) cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội được coi là một trong những lựa chọn phù hợp, củng cố sự hợp tác giữa chính phủ và các tổ chức xã hội hướng tới mục tiêu huy động sự tham gia có ý nghĩa của các nhóm cộng đồng nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả của chương trình phòng chống HIV/AIDS.

BS Vương Thế Linh, Trưởng khoa phòng chống HIV, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương đánh giá: Bình Dương thực hiện thí điểm mô hình xã hội từ tháng 7-9/2023. Chúng tôi đã tiếp cận được 250 khách hàng và tìm ra được 24 trường hợp dương tính – tất cả đều được kết nối và điều trị. Bên cạnh đó 26 khách hàng âm tính cũng chuyển gửi PrEp thành công. Việc thí điểm mô hình hợp đồng xã hội giúp chúng ta tìm ra được chính sách phù hợp nhất cho công tác phòng chống HIV/AIDs trong thời gian tới khi mà các nguồn lực viện trợ đã bị cắt giảm.

Ths. BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, hiện có 1 nhóm các chuyên gia do UNAID và PEPFAR thuê tuyển một cách độc lập để đi thu thập các thông tin, ghi nhận các số liệu để có những đánh giá khách quan về hiệu quả của việc thí điểm hợp đồng xã hội.

"Sơ bộ bước đầu chúng tôi thấy tính khả quan, tính phù hợp với tình hình thực tế cũng như điều kiện khách quan của các tổ chức cộng đồng cũng như là các doanh nghiệp xã hội. Nội dung hợp đồng ký kết giữa Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh với các doanh nghiệp xã hội hay tổ chức cộng đồng đấy thì về mặt tiến độ cũng như mục tiêu thì cũng đã đạt được theo mong muốn, lộ trình đã đặt ra" - BS Sơn cho biết

Ngoài ra việc thí điểm triển khai Hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV/AIDS còn có một số lợi ích:

Thứ nhất, đây là lần đầu tiên các tổ chức cộng đồng hay doanh nghiệp xã hội không thuộc trong phạm vi của các cơ quan ngành y tế lập ra tham gia cung cấp dịch vụ công về y tế

Thứ hai, khi tham gia mô hình hợp đồng xã hội, các tổ chức cộng đồng hình dung được các định mức kinh tế kỹ thuật, xác định chi phí đi tìm 1 ca dương tính thì họ cần tiếp cận được bao nhiêu ca nguy cơ cao trong cộng đồng và mất bao nhiêu thời gian và các chi phí bỏ ra để họ tiếp cận làm được xét nghiệm trong đấy thuyết phục và đưa được người đi điều trị. Từ đây cũng sẽ xác định được khung giá dịch vụ để làm sao phù hợp với mặt bằng lao động cũng như điều kiện kinh tế của Quốc gia

Cũng theo Ths.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 100 tổ chức cộng đồng, vì thế trong thời gian tới sẽ xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị này tham gia thí điểm hợp đồng xã hội.