Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, nước ta đạt được những chỉ số vượt bậc về an toàn thực phẩm như: tăng cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản theo mô hình Vietgap; hơn 83% cơ sở đạt giấy chứng nhận an toàn thực phẩm… Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, mô hình sản xuất thực phẩm an toàn ở nước ta đang dần mở rộng, tiệm cận với thế giới.

Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng thì các cơ sở này cần phải thêm một bước nữa là minh bạch được nguồn gốc thực phẩm. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 100/QĐ-TTg phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc với sự tham gia của nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, vận chuyển, phân phối và bán lẻ. Song việc triển khai ở nước ta vẫn còn không ít những rào cản.

Về mặt thực thi pháp luật, TS Trần Thị Dung – Phó Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch cho rằng, chúng ta có một hệ thống luật an toàn thực phẩm, một hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương thế nhưng tính thực thi pháp luật còn hạn chế và đang bị phân tán.

Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm đang chịu sự quản lý của 3 Bộ: Bộ Y tế thay mặt Nhà nước quản lý chung còn quản lý chuyên ngành thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương. Thế nhưng, quá trình thực thi thì đâu phải ở trên Bộ mà là địa phương. Ở địa phương thì hệ thống quản lý nhà nước còn đang mỏng nên khả năng thực thi yếu kém” – TS Trần Thị Dung nhấn mạnh

Về chất lượng của sản phẩm, điều này phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của chủ cơ sở, doanh nghiệp. Thế nhưng nếu doanh nghiệp trung thực trong sản xuất thực phẩm thì sẽ rất khó có khả năng đứng vững trên thị trường. Nguyên nhân là do họ phải bỏ ra chi phí lớn, do đó giá bán trên thị trường cũng phải tăng theo. Khi giá bán cao thì không thu hút người tiêu dùng mua. Thực tế hiện nay, phần lớn người tiêu dùng không hiểu rõ về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn…

Một hạn chế nữa là việc cấp giấy chứng nhận. Nhà nước đưa ra một hệ thống tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn Vietgap, thế nhưng nhiều bà con ở địa phương lại không duy trì làm. “Vietgap hiện nay đang bị đánh trống bỏ dùi, tức là chúng ta đánh trống mở cờ quảng bá Vietgap rất nhiều, nhưng đến bây giờ xem lại chương trình Vietgap sẽ không còn tồn tại ở những nơi mà khi dự án của Nhà nước hay dự án của nước ngoài rút khỏi địa phương” – TS Trần Thị Dung cho biết.

Hoặc có những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn Vietgap, song phần lớn là để xuất khẩu sang nước ngoài. Còn lại số ít bán trong nước nhưng lại không biết cách quảng cáo cho sản phẩm của mình.

Vài năm trở lại đây, Việt Nam đã phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện trên thị trường để đi tìm những thực phẩm có thể truy xuất nguồn gốc thì vẫn chưa được nhiều. Hoặc có nhưng chỉ làm cho có mà thôi. Còn nhớ đã có câu chuyện người tiêu dùng vào mua rau ở siêu thị, trên sản phẩm có quét mã QR để truy xuất nguồn gốc, thế nhưng khi mở điện thoại ra thì không hiện bất cứ thông tin nào về sản phẩm.

Xuất hiện tình trạng này, TS Trần Thị Dung đánh giá trách nhiệm trước hết thuộc về hệ thống siêu thị, tiếp theo vai trò quản lý của Nhà nước.

“Truy xuất nguồn gốc hiện nay là cứ mạnh ai nấy làm. Về vấn đề này, tôi cũng đã có ý kiến rất nhiều trong các cuộc hội thảo. Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải quản lý các vấn đề về nông nghiệp thì Bộ phải quy định thống nhất tiêu chí truy xuất nguồn gốc như thế nào cho nhóm sản phẩm này, cho nhóm sản phẩm kia. Còn hiện nay, thông tư thì nói thế nhưng việc truy xuất nguồn gốc mỗi nơi làm một kiểu”

Vì vậy, cái khó là làm sao để mua được thực phẩm an toàn thực sự thì người tiêu dùng vẫn phải thông thái, nên mua ở những địa chỉ có uy tín và có dán nhãn đầy đủ thông tin, thành phần, cơ sở sản xuất, hạn sử dụng trên thực phẩm…/.