Bác sỹ nhường suất cơm trưa cho bệnh nhân sau phong tỏa

Ngày 5/5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) được lệnh phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” sau khi phát hiện 8 ca lây nhiễm đầu tiên trong bệnh viện.

Mọi việc diễn ra bất ngờ, không ai kịp chuẩn bị. Và ngay lập tức tất cả được lệnh, không ai được phép di chuyển để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm toàn bệnh viện.

Thông tin về số ca bệnh truyền đi, nỗi lo lắng lớn dần, nhất là với các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Vì vậy, các bác sỹ đã phải làm công tác tư tưởng, động viên mọi người cùng nhau vượt qua khó khăn.

Và bữa trưa đầu tiên sau phong tỏa, do không đủ lương thực cho gần 1000 suất cơm toàn Bệnh viện, các bác sỹ đã nhường phần cơm cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Và bữa cơm trưa muộn lúc 3 giờ chiều của các bác sỹ cũng diễn ra chóng vánh, đơn lẻ vì phải thực hiện giãn cách. Một số bác sỹ đến hết ca trực mới được ăn trưa vì lúc này mới có thể cởi bỏ bộ đồ bảo hộ.

Bữa tối dù lương thực đã đầy đủ, do UBND huyện Đông Anh đã hỗ trợ 3 nghìn quả trứng, cùng mỳ tôm, sữa cho Bệnh viện nhưng chỉ khi đêm muộn các bác sỹ mới có thể ăn, vì phải xử lý công việc cấp bách là truy tìm những người đến và đi từ bệnh viện.

Các phòng, ban đã phối hợp để trích xuất dữ liệu của bệnh nhân, sau đó, gửi cho các Trung tâm kiểm soát bệnh tật trên toàn quốc để bằng mọi cách tìm kiếm những F1, F2, F3 có liên quan đến bệnh viện một cách nhanh nhất.

Ngoài ra, dù bệnh viện đang trong diện phong tỏa nhưng nhiệm vụ điều trị vẫn phải đảm bảo. Với những bệnh nhân điều trị các bệnh lý khác, các bác sỹ tiến hành công tác khám và điều trị giống như một bệnh nhân Covid-19, với việc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ. Bởi hiện mới chỉ có kết quả xét nghiệm Covid-19 lần đầu nên dù là âm tính cũng chưa thể đảm bảo chắc chắn.

Chúng tôi là "người lính" áo trắng thì sẵn sàng đón nhận “hòn tên mũi đạn”

Hơn 20 năm gắn bó với công việc, bác sỹ Vũ Minh Điền đã đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Trong dịch Covid-19 lần này, bác sỹ Điền cũng là những người đầu tiên tham gia hỗ trợ đợt dịch ở thành phố Chí Linh, Hải Dương. Anh chia sẻ: “Nói là không lo thì không đúng. Bác sỹ cũng là một người bình thường như bao người, cũng có thể bị nhiễm bệnh, nhưng đã là nhiệm vụ thì sẵn sàng đón nhận “hòn tên mũi đạn”.

Và đêm đầu tiên khi bệnh viện phong tỏa, bác sỹ Vũ Minh Điền và các đồng nghiệp đã có một đêm trằn trọc. “Nếu một bác sỹ bị nhiễm bệnh, chúng tôi thiếu đi một đồng đội sát cánh. Nhưng tôi vẫn tin tưởng chúng tôi sẽ vượt qua lần này” - bác sỹ Vũ Minh Điền quyết tâm.

Thực tế, nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền y học tiên tiến, trang thiết bị bảo hộ hiện đại, đầy đủ, cũng không thể bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các nhân viên y tế. Đã có những “chiến sỹ áo trắng” phải tạm dừng nhiệm vụ vì nhiễm bệnh, thậm chí là hy sinh.

Chính vì thế, khi “ổ dịch” xảy ra ngay trong “thành trì” phòng chống Covid-19 như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sỹ Vũ Minh Điền cùng các đồng nghiệp không tránh khỏi tâm trạng. Điều bác sỹ lo lắng nhất là tình trạng lây nhiễm chéo vẫn không thể loại trừ hoàn toàn khi hằng ngày tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.

Ý thức được điều đó, hiện các bác sỹ, các nhân viên y tế tại bệnh viện đều được giám sát sức khỏe cá nhân, được tiêm phòng vaccine Covid-19.

Ngoài ra, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện cũng được nghiêm túc thực hiện. Việc mang trang phục phòng hộ đúng cách cũng có thể hạn chế tối đa lây nhiễm từ bệnh nhân sang nhân viên y tế.

Sau các đợt phòng chống dịch kiên cường, quả cảm trước đó, thì nay, các "chiến sỹ áo trắng" lại tiếp tục bước vào một trận tuyến mới trong lòng “kẻ địch”- Một thử thách vô cùng khó khăn.

Chế độ “chiến đấu” đã được thiết lập tại bệnh viện. Những bữa ăn không đúng giờ, những đêm ngủ không đủ giấc lại bắt đầu. Nhưng “chúng tôi sẽ bình thản đối mặt với việc đó và sẽ vượt qua” - bác sỹ Vũ Minh Điền quyết tâm.