Khi xét nghiệm Covid-19 trở thành “giấy thông hành”

Hiện nay, không chỉ TP.Hồ Chí Minh mà nhiều tỉnh, thành ở phía Nam và Tây Nam Bộ có quy định bắt buộc người đến từ vùng đang có dịch phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được vào địa phương. Nếu không có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính thì phải thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại chốt kiểm soát dịch và phải tự chi trả chi phí.

Hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể xét nghiệm nào được sử dụng và có giá trị trong thời gian bao lâu nên mỗi nơi ra thời hạn cho giá trị của tờ “giấy thông hành” khác nhau. Tỉnh Bạc Liêu, An Giang quy định thời gian 24 giờ, Đồng Nai 7 ngày, Bà Rịa - Vũng Tàu 5 ngày, Bình Dương và Bình Phước 3 ngày…

Có thể nói quy định này là cấp thiết khi tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi vẫn phải bảo đảm nhu cầu kiếm sống, phát triển kinh tế của người dân và địa phương. Tuy nhiên thực tế ghi nhận, từ khi bắt đầu thực hiện quy định này đã xảy ra một số vấn đề bất cập, nhiều bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh đã rơi vào tình trạng quá tải do người dân đổ xô đi làm xét nghiệm Covid-19 để có thể ra vào các tỉnh, thành phố theo quy định. Đỉnh điểm là chuyện người dân chen lấn xô đẩy nhau xảy ra ở chợ đầu mối Bình Điền, tiếp nữa là hàng trăm xe tải xếp hàng kéo dài từ cầu Vàm Cống, Cần Thơ đến tận cổng chào TP Long Xuyên, An Giang để chờ xét nghiệm gây ùn tắc giao thông…

Giấy xét nghiệm Covid-19 chỉ có giá trị tại thời điểm xét nghiệm

Trước quy định này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, các trường hợp ra, vào Thành phố Hồ Chí Minh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (không phân biệt xét nghiệm khẳng định hay test nhanh), được thực hiện trước khi đi hoặc đến thành phố trong vòng 3 ngày. Hiện nay một số tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh đang thực hiện theo quy định này.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hay test nhanh chỉ có giá trị trong quá khứ, nghĩa là chỉ có thể khẳng định thời gian từ trước khi làm xét nghiệm đến hiện tại người đó âm tính chứ chưa thể khẳng định, ngày mai hay ngày kia người đó có còn âm tính hay không. “Có những người dù đã mang mầm bệnh Covid-19 nhưng hôm nay chưa xét nghiệm ra, sau 2-3 ngày, trong cơ thể mới có đủ nồng độ virus SARS-Cov-2, lúc đó mới có kết quả dương tính. Trong 2-3 ngày đó, người này đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với bao nhiêu người và trở thành mầm bệnh. Vì vậy, những quy định về việc xét nghiệm Covid-19 của các tỉnh, thành thời gian vừa qua vẫn chưa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga khẳng định.

Đó là chưa kể đến những sai số trong xét nghiệm vì không phải xét nghiệm nào cũng cho kết quả chính xác 100%. Và còn nhiều tiêu cực khác có thể phát sinh khi thực hiện quy định này như nạn cò mồi, làm giấy tờ giả…

Nhấn mạnh một lần nữa tờ giấy xét nghiệm Covid-19 chỉ có giá trị tại thời điểm xét nghiệm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, biện pháp quan trọng nhất hiện nay là ý thức tuân thủ của người dân, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế điện tử, nguyên tắc 5K, cài đặt Bluzone, nếu không thì rất khó có thể kiểm soát. Việc đưa ra quy định dịch vụ xét nghiệm Covid-19 cho người dân chỉ nên diễn ra ở vùng dịch do Bộ Y tế xác định, chứ không nên thực hiện tràn lan.

Hiện nay, dịch Covid-19 ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang có chiều hướng gia tăng. Ca nhiễm đã lên đến 4 con số trong một số ngày qua và hiện nay chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu Bộ Y tế vẫn không có hướng dẫn cụ thể về quy định xét nghiệm Covid-19 thì với việc thực hiện tràn lan như hiện nay rất có thể sẽ tạo ra mầm mống gây bệnh, gây quá tải cho ngành y tế và phiền hà cho người dân.