Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp hè đến là bé Nguyễn Hoàng Hải Đăng, 5 tuổi ở Hải Phòng lại bị sẩn ngứa do rôm sẩy, gây sẩn đỏ và ngứa ở vùng tay và chân. Nghe nhiều người mách, gia đình thường bôi kem rau má vào vùng bị ngứa. Mọi lần bệnh hết, thế nhưng mùa hè năm nay, những hạt mụn nước ngày càng lan rộng, bôi kem rau má cũng không thể khỏi. Vì ngứa không chịu được, bé Đăng gãi khiến cho những nốt mụn nước bị vỡ, gây nhiễm trùng và đã phải nhập viện điều trị.

“Thấy con bị loét ở gót chân, những chỗ sẩn ngứa lâu lành rồi nó lan ra, vài ngày sau nổi thành những bọng nước, em đưa con đi BV Da liễu TW khám thì các bác sĩ cho nhập viện luôn” - chị Nguyễn Thị Nga mẹ Đăng kể.

Ths.BS Lê Thị Hoài Thu – Khoa Điều trị bệnh da, nữ giới và trẻ em, BV Da liễu TW cho biết, trường hợp của Đăng sẽ phải điều trị ở bệnh viện ít nhất 1 tuần, vừa uống thuốc kháng sinh và bôi thuốc, sau đó các bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc thêm tại nhà.

Mùa hè, số trẻ bị các bệnh về da phải nhập viện điều trị thường tăng lên. Đối với bệnh rôm sẩy, nguyên nhân thường do cha mẹ chăm sóc không đúng cách dẫn đến biến chứng viêm da mủ nhiễm trùng bội nhiễm.

“Rôm sảy chia ra các hình thái lâm sàng. Trong đó rôm sảy dạng sẩn đỏ là tình trạng hay gặp nhất ở trẻ nhỏ. Ngoài ra còn có rôm sảy dạng tinh thể hay gặp ở trẻ mới sinh hoặc đối với trẻ dưới 1 tuần tuổi vì lý do người lớn ủ ấp trẻ nhiều. Đối với trẻ lớn phần nhiều do các bạn hiếu động ra nhiều mồ hôi trong khi quần áo chật, bí quá thì vùng da nách, kẽ, bẹn, vùng lưng thì dễ bị rôm sảy. Tình trạng này nếu chăm sóc đúng thì sẽ tự khỏi và không phải điều trị. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan bởi vì nếu không chăm sóc đúng thì rất dễ xảy ra biến chứng, ví dụ như xuất hiện các tổn thương mụn mủ, mụn nhọt, ngoài ra khiến trẻ bị ngứa, trẻ sẽ khó ngủ, ăn kém hoặc là chơi kém hơn hoặc cào ngứa chà sát gây ra những vết xước hoặc là sang chấn trên da” – Ths.BS Lê Thị Hoài Thu cho biết.

Để phòng bệnh rôm sảy, cha mẹ nên hạn chế những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh như tiếp xúc nhiều ở nơi có nhiệt độ cao, mặc quần áo bí. Để phòng bệnh, cha mẹ nên cho trẻ ở phòng thoáng mát, mặc quần áo thông thoáng, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, không nên cho trẻ sơ sinh tắm các loại lá, nước muối, sữa tắm có chất kích ứng vì sẽ khiến cho trẻ bị khô da. Trong trường hợp bị rôm sảy, cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ, không phải trường hợp nào cũng phải dùng thuốc nhưng qua sự tư vấn của bác sĩ, cha mẹ sẽ có thêm kỹ năng chăm sóc trẻ phù hợp.