Năm 2024, được coi là cột mốc quan trọng trong việc phát triển nguồn tạng hiến. Năm qua, Việt Nam có 41 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô tạng. Con số này chiếm 13% trong tổng số ca ghép tạng. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam. Điều đáng nói trong số 41 ca hiến tạng sau chết não tập trung ở 13 tỉnh thành phố trên cả nước. Để đạt được số ca hiến kỷ lục, bên cạnh công tác truyền thông, một trong những vấn đề quan trọng là sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước. Từ đó, nhiều bệnh viện trên cả nước đã tổ chức Lễ Phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng tại bệnh viện.

Năm 2024, Việt Nam đã lần đầu thực hiện ca ghép đồng thời tim/gan trên nền một bệnh nhân bị suy đa tạng do các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức thực hiện đã thêm một lần nữa khẳng định các y bác sĩ Việt Nam có thể làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật - đặc biệt là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng. Ngoài ra, Việt Nam còn thực hiện thành công ca ghép khí quản từ người cho chết não, một kỹ thuật hiếm gặp không chỉ tại nước ta mà còn trên thế giới. Chỉ riêng trong năm 2024, các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện thành công 03 ca ghép phổi, nâng tổng số ca ghép phổi lên 12 ca kể từ khi ca đầu tiên được thực hiện năm 2017.

Tuy nhiên, có mặt tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Thuấn đã nêu lên một số khó khăn trong công tác ghép mô, tạng tại Việt Nam như hiện nay chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim. Hay như việc chỉ có số ít bệnh viện trên cả nước thành lập được tổ tư vấn, vận động hiến tạng, nguyên nhân là chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thực sự phù hợp.

Ngoài ra, các chi phí cho các hoạt động hồi sức, chẩn đoán chết não, lấy, bảo quản, điều phối, vận chuyển mô, tạng cũng như các chi phí để thực hiện dịch vụ kỹ thuật liên quan tới ghép tạng vẫn chưa được xây dựng thống nhất, khiến cho các bệnh viện gặp nhiều khó khăn khi thanh toán các khoản chi phí này, đặc biệt là các bệnh viện tham gia vào quá trình lấy tạng.

Đứng trước những thách thức đó, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động hiến, lấy, ghép mô tạng phát triển mạnh mẽ và bền vững. Bước đầu là cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, từ đó đưa ra định mức kinh tế - kỹ thuật, xây dựng một mức giá được tính đúng, tính đủ, bao phủ toàn bộ chi phí cấu thành, và hướng đến thanh toán bảo hiểm y tế…

Để tiếp tục phát huy tốt những thành tựu đã đạt được cũng như nâng cao công tác ghép tạng tại nước ta trong thời gian tới, công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm thay đổi nhận thức trong nhân dân về ý nghĩa nhân văn, cao đẹp của việc hiến mô, tạng.