Trong một chuyến công tác tới Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, tôi gặp chị Lý Thị Sâu dân tộc Mông ở hành lang khoa sản của bệnh viện. Chị Sâu đang chờ con gái ở trong phòng sinh. Chị cho biết, con gái chị năm nay 19 tuổi, lấy chồng năm ngoái, tôi hỏi chị, vì sao cho con lấy chồng sớm thế, chị Sâu chỉ cười...
Ở một góc sân của bệnh viện, tôi gặp cô bé Vàng Thị Mỷ cũng người dân tộc Mông. Năm nay Mỷ 20 tuổi, nhưng đã có 2 con, đứa địu trên lưng, đứa dắt ở tay. Đợt này đứa nhỏ ốm, Mỷ đành đưa cả đứa lớn đi viện vì nhà không có người trông. Cũng một câu hỏi, vì sao lấy chồng đẻ con sớm thế, đáp lại Mỷ …cũng chỉ cười…
Chia sẻ với tôi, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Tuấn – Giám đốc BV Đa khoa huyện Bắc Hà cho biết, ở đây có không ít trẻ em gái làm mẹ ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” như Mỷ. Mặc dù hằng năm, ngành y tế tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ ở tuổi vị thành niên… nhưng tỷ lệ này thuyên giảm chưa nhiều.
Bắc Hà là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lào Cai, là nơi sinh sống của 14 dân tộc anh em, trong đó 84% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nói riêng được huyện xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên bằng việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CSSKBM-TE trên địa bàn.
Tuy nhiên, do đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế nên bà con vẫn duy trì một số tập tục như ốm đau thường tự chữa ở nhà, có thai không đến khám, theo dõi ở trạm y tế, thậm chí tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế chỉ có 79%, vì thế tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh mới đạt gần 78%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở mức cao - gần 24%, đặc biệt là một số xã như Thải Giàng Phố gần 38%; Hoàng Thu Phố hơn 30%... Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi 18,5 ‰, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 72%.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, để giúp các tỉnh miền núi như Lào Cai thực hiện các mục tiêu của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó có mục tiêu về giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi… hiện nay Bộ Y tế đang nỗ lực đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe về gần dân như chương trình quản lý, chăm sóc bà mẹ trong quá trình mang thai và sinh đẻ, đào tạo, tập huấn để y tế tuyến cơ sở có thể triển khai phương pháp Kangaroo giúp trẻ nhẹ cân, non tháng có sức đề kháng tốt.
Cùng với đó, ngày 6/12/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4440 phân công phạm vi chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa. Trong đó giao Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng hỗ trợ và chuyển giao các kỹ thuật thuộc các lĩnh vực sinh sản, chăm sóc sản phụ, thai nhi và trẻ sơ sinh theo phương thức “cầm tay, chỉ việc” cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
"Trước hết là triển khai một số kỹ thuật cấp cứu sản khoa một cách tốt, thành thạo. Còn hiện nay các vấn đề về sức khỏe sinh sản, ví dụ như hôn nhân cận huyết, rồi người ta sinh rất sớm như vậy chúng ta phải nâng cao nhận thức của bà con, thứ 2 là nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe của ngay tỉnh Lào Cai" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho biết.
Ngoài ra, để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em, sức khỏe sinh sản, ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, sẽ khởi động lại Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816... trong đó huy động các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố có thế mạnh về sản-nhi như Hải Phòng, Huế, TP. Hồ Chí Minh cùng chung tay với các bệnh viện tuyến trung ương sớm lấp đầy khoảng trống về y tế, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Nghe bài viết tại đây: