Hiện nay, nước ta có hơn 97,5 nghìn dân, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới; tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, giữ vững được mức sinh thay thế; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ và trẻ em giảm; tầm vóc, thể lực người Việt được cải thiện; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được khống chế và giảm còn 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái; dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh chiếm 68% tổng dân số năm 2019… Kết quả về công tác dân số đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước… Tuy nhiên, công tác dân số vẫn còn nhiều hạn chế, mặc dù tuổi thọ bình quân tăng, đạt 73 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Nhằm khắc phục những hạn chế này và hưởng ứng Ngày Dân số VN 26/12 và tháng hành động Quốc gia về Dân số năm nay, Tổng cục DS/KHHGĐ, Bộ Y tế đã quyết định triển khai các hoạt động với chủ đề: Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững”.

Tại Hội thảo về Dân số và Phát triển được Tổng cục DS/KHHGĐ, Bộ Y tế tổ chức sáng nay - 24/12, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS/KHHGĐ cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ chú trọng thực hiện các giải pháp: chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cả về thể chất và tinh thần, mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh trước sinh và sơ sinh cho trẻ; kiện toàn hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ từ trung ương đến địa phương bao gồm cả tư vấn trước hôn nhân, cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh để người dân dễ tiếp cận, xây dựng chính sách hỗ trợ cho người yếu thế như người lao động di cư, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ cung cấp dịch vụ KHHGĐ ở cơ sở, xã hội hóa công tác cung cấp dịch vụ DS/KHHGĐ …

Các chương trình, đề án này cũng là những nội dung quan trọng mà công tác dân số triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Có mặt tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo: “Để thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu đến năm 2030, trong thời gian tới không thể thiếu kinh phí kèm theo. Đây là khó khăn trong khi từ nay đến năm 2021 sẽ không còn chương trình mục tiêu về dân số. Vì vậy, tôi đề nghị các đại biểu thảo luận về nội dung, cách thức, biện pháp đặc biệt là việc huy động nguồn lực để tham mưu và thực hiện tốt các chương trình đã được phê duyệt…”

Hiện nay, ở nhiều địa phương đang thiếu cộng tác viên dân số do thời gian qua, tổ chức bộ máy dân số ở nước ta có những xáo trộn, nhiều người đã không còn mặn mà với công việc này. Vì vậy, thời gian tới sẽ có chế độ chính sách mới dành riêng cho các cộng tác viên dân số.