Để củng cố niềm tin của người dân và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, ngành Y tế đang triển khai thực hiện chỉ thịsố 25-CT/TW năm 2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Cùng với đó là những nỗ lực mở rộng hợp tác, huy động các nguồn lực đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt tại những khu vực khó khăn về kinh tế xã hội.

Sau 4 năm triển khai, khai từ tháng 5/2020 đến 31/12/2024, dự án đã đạt được những kết quả rất tích cực. Đã có gần 76% trạm y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, vượt mục tiêu ban đầu là 67%. 129 trạm y tế xã được xây mới, 332 trạm y tế xã được cải tạo; gần 1.600 trạm y tế xã được đầu tư trang bị y tế y tế; 800.000 bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm được điều trị và chăm sóc tại tuyến y tế cơ sở; 11.000 cán bộ y tế được đào tạo trong 10 lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật.

Trạm y tế được cải tạo hoặc xây mới, được đầu tư trang thiết bị, cán bộ được đào tạo chuyên sâu- đây là những yếu tố căn bản để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Với nguồn kinh phí đầu tư gần5 tỷ đồng từ Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, trạm y tế xã Cam Tuyền huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trịđược xây mới và đưa vào hoạt động từ năm 2022. Trạm có tổng diện tích 1.500m2 với 13 phòng khang trang, có đủ các phòng chức năng phục vụ cho khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng, truyền thông giáo dục sức khoẻ...

Từ khi được xây mới, trạm được mua sắm, trang bị thêm máy điện tim, đo đường huyết, máy đo lưu lượng định - đo chức năng hô hấp, máy bắt nhịp tim thai... nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều.

Tủ thuốc của trạm y tế xã Cam Tuyền hiện đã có gần 70 loại thuốc thiết yếu cơ bản đảm bảo phục vụ nhân dân bao gồm: Kháng sinh, cảm cúm, hạ sốt, giảm đau…. Đặc biệt, hiện trạm đang theo dõi và quản lý 487 người bệnh tăng huyết áp. Trước đây trung bình có 7-10 người dân đến thăm khám tại trạm mỗi ngày thì hiện nay đã tăng lên 15-17 người.

Cùng với Cam Tuyền, đến nay 31 trạm y tế thuộc 7 huyện khó khăn của tỉnh Quảng trị cũng đã hoàn thành xong quá trình xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và đã được đưa vào sử dụng. Tại những cơ sở này đều ghi nhận số lượng bệnh nhân đến khám đông hơn hẳn so với trước kia.

Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở được xem là 1 trong những dự án có mức đầu tư lớn của ngành y tế với tổng kinh phí khoảng 120 triệu USD. Dự án được triển khai tại 13 tỉnh là Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang và Bạc Liêu. Tại buổi tổng kết dự án diễn ra vào ngày 6/12 vừa qua Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá, các hoạt động mà dự án triển khai trong 4 năm qua đã góp phần nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ y tế ban đầu tại 13 tỉnh còn nhiều khó khăn của đất nước.

TS Angela Pratt – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá cao về mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế tại tuyến cơ sở cũng như đáp ứng sự thay đổi mô hình bệnh tật trong quá trình hội nhập quốc tế.

“Mạng lưới y tế cơ sở tại VN rất ấn tượng với hơn 11.000 trạm y tế. Và những cơ sở đó đã cung cấp dịch vụ rất tốt cho cộng đồng như là tiêm chủng cho trẻ em. Sàng lọc các bệnh thông thường như là tăng huyết áp, nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể gây ra ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì thế, đây sẽ là cơ sở vững chắc để xây dựng một hệ thống y tế hoàn chỉnh”- bà Pratt cho biết.

TS Angela Pratt cũng nhấn mạnh để công tác chuẩn bị, giám sát và quản lý các dịch bệnh có hiệu quả nhằm đáp ứng các tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, hệ thống y tế cơ sở của Việt Nam cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong công tác đầu tư và truyền thông thay đổi nhận thức người dân.

“Cần đầu tư tài chính nhiều hơn cho nhân lực và nguồn lực ở cấp xã. Điều đó nghĩa là mọi người đều được cung cấp dịch vụ tại địa phương ở mức độ phù hợp với nhu cầu. Và có lẽ cần phải suy nghĩ nhiều hơn về các dịch vụ ở địa phương để làm tốt việc quản lý các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường. Bởi nếu quản lý không tốt sẽ dẫn tới những biến chứng nặng hơn. Và chúng ta cũng cần nỗ lực để thay đổi nhận thức của mọi người dân về hệ thống y tế cơ sở bằng cách tuyên truyền để người dân thấy rằng dịch vụ y tế tại xã, huyện rất tốt, thậm chí có những nơi chất lượng tốt như những bệnh viện khác. Ngoài ra, cũng cần có những chính sách cung cấp dịch vụ cũng như thu hút và trao đổi với mọi người về các dịch vụ họ cần và nơi họ có thể tìm được các dịch vụ này trong hệ thống y tế”- bà Pratt nói.