Trước sự việc 4 bác sĩ ở Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đi làm thêm xuyên tỉnh, bác sĩ Trần Văn Phúc, công tác tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) chia sẻ, về lý, việc các bác sĩ đi làm thêm mà không báo cáo lãnh đạo bệnh viện là sai. Tuy nhiên, anh cảm thấy chạnh lòng trước những câu từ như trốn, lén, ăn cắp giờ làm chính... mà một số báo và ý kiến dư luận đã dùng để nói về sự việc này.

“Trước đây, mặc dù đời sống khó khăn nhưng người dân rất chia sẻ với các y bác sĩ nhưng bây giờ dường như đã có sự phân cực. Vụ việc của 4 bác sĩ ở Bệnh viện Thủ Đức chỉ là giọt nước làm tràn ly. Cán bộ, nhân viên y tế từng được gắn với những danh từ cao đẹp như từ mẫu, thiên thần áo trắng, thậm chí trong đại dịch Covid-19 vừa qua được tôn vinh là những người hùng. Nhưng bây giờ chúng tôi lại phải đối mặt với sự thật, đó là từ khó khăn trong cuộc sống, anh em phải đi làm thêm nhưng mà điều đó đôi khi không được sự thông cảm của xã hội, cộng với áp lực của những người quản lý cũng như của cơ quan chức năng khiến chúng tôi cảm thấy rất cay đắng, thậm chí cảm thấy bị xúc phạm” – vị bác sĩ đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề y trải lòng.

Có một thực tế là trong đại dịch, các y bác sĩ sẵn sàng lao vào cuộc chiến sinh tử với Covid-19, không quản ngại khó khăn, vất vả và những hi sinh. Nhưng giờ đây, khi trở lại cuộc sống bình thường, mỗi cán bộ nhân viên y tế lại phải đối diện với nỗi lo cơm áo, gạo tiền, bởi mức thu nhập rất thấp, đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cho cuộc sống. Chính vì vậy, rất nhiều bác sĩ bệnh viện công đã phải tranh thủ những ngày nghỉ đi làm thêm, khám chữa bệnh ở bên ngoài, thậm chí lặn lội hàng trăm cây số đến các tỉnh xa hành nghề hoặc xoay xở làm thêm với đủ mọi công việc khác nhau như bán hàng online, chạy taxi…Theo BS Trần Văn Phúc, đây là câu chuyện hết sức nhức nhối của ngành y. Trong sự việc ở BV TP Thủ Đức, lỗi không hoàn toàn thuộc về các bác sĩ.

“Theo quy định, khi bác sĩ đi làm việc bên ngoài thì đòi hỏi bắt buộc là phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan đó, tức là phải xin phép lãnh đạo bệnh viện. Tuy nhiên, thực tế, sự xin phép này cũng là một điều hết sức khó khăn. Bởi đôi khi lãnh đạo cơ sở y tế lo ngại rằng khi bác sĩ đi làm thêm bên ngoài không toàn tâm toàn ý với đơn vị nữa; hoặc nếu có sự cố xảy ra thì xảy ra thì sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng của bệnh viện, dẫn tới không muốn cho y bác sĩ làm thêm bên ngoài.

"Từ vụ việc của 4 bác sĩ tại Bệnh viện TP Thủ Đức, có lẽ ngành y tế cần tìm ra nguyên nhân và đẩy nhanh các giải pháp để khắc phục tình trạng này” – BS Phúc nêu ý kiến.

Đồng thời, ông cũng đề xuất cần có cơ chế thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho bác sĩ bệnh viện công có thể khám chữa bệnh bên ngoài. Hiện nay, Luật viên chức quy định rõ viên chức được phép đi làm thêm, nhưng phải có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Còn theo Bộ luật Lao động, người lao động làm thêm không quá 200 giờ một năm. BS Phúc cho rằng, việc bác sĩ chỉ được làm thêm 200 giờ là không phù hợp và ông mong rằng, tới đây cơ quan chức năng hãy “cởi trói” cho bác sĩ, để những người có chứng chỉ hành nghề được quyền được quyền tự do làm thêm ngoài giờ, được phép kí hợp đồng với nhiều cơ sở y tế.

BS Phúc cũng cho biết, trên thế giới, việc bác sĩ đi làm thêm rất phổ biến. Châu Âu cho phép bác sĩ nhà nước cộng tác với bệnh viện tư, phòng khám tư, thậm chí các nước Bắc Âu giàu có cũng vậy. Ví dụ, Áo và Ireland gần 100%, Anh khoảng 60% bác sĩ đi kiếm tiền. Ở Mỹ có những bác sĩ làm tới 5 cơ sở y tế. Trung Quốc có thuật ngữ “hành nghề đa địa điểm”, nhằm khuyến khích bác sĩ hành nghề ở nhiều nơi.

Tuy nhiên, ở nước ta, không phải y bác sĩ nào cũng có thể và có điều kiện khám chữa bệnh ngoài giờ tại nhiều nơi. Những người có thể làm thêm chủ yếu là các bác sĩ ở bệnh viện lớn, ở thành phố hoặc một số chuyên khoa. Nhằm giúp cán bộ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập yên tâm công tác, tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn, không còn cảnh thấp thỏm mong hết giờ hành chính để về đi làm thêm… thì giải pháp căn cơ vẫn là tăng mức thu nhập cho cán bộ nhân viên y tế.

Thời gian qua, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã có kiến nghị cải cách chế độ đãi ngộ tiền lương đối với y bác sĩ. Tuy nhiên, cho dù những kiến nghị này được phê duyệt thì thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế cũng không cải thiện là bao. Bác sĩ Phúc cho biết, bản thân ông không kỳ vọng nhiều vào việc nâng mức lương cơ bản. Ngân sách nhà nước cũng không thể đủ để bao cấp toàn bộ lương cho cán bộ, nhân viên y tế với mức cao hơn hẳn so với các ngành nghề khác.

“Hãy trả lại cho bệnh viện vấn đề lo tiền lương cho anh em nhân viên y tế nhưng mà cho một cơ chế để làm sao tính đúng, tính đủ với tất cả các dịch vụ y tế. Khi có bảo hiểm y tế thì việc tính đúng, tính đủ giá viện phí cũng không lo ảnh hưởng nhiều đến người bệnh. Các nước ta đã làm rất nhiều rồi và chúng ta chỉ cần làm theo thì cũng sẽ giải quyết được bài toán thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế hiện nay” – BS Phúc nêu ý kiến.