Câu đầu tiên tôi hỏi Nguyễn Đức Ước quê ở huyện Chương Mỹ, TP Hà nội khi gặp em tại Trung tâm Hemophilia của Viện Huyết học Truyền máu TW: em có nhớ từ đầu năm đến nay, đây là lần vào viện thứ mấy, Ước trả lời như thế này: “chị phải hỏi một tháng vào viện mấy lần thì còn nhớ được, còn những người bệnh như em luôn coi bệnh viện là nhà…”.

Ước được phát hiện mắc bệnh Hemophilia (hay còn gọi là bệnh máu khó đông) từ lúc em mới 3 tuổi. 33 năm qua, Ước xem Viện Huyết học truyền máu TW như ngôi nhà thứ 2 của mình, bởi những cơn đau do bị xuất huyết bên trong cơ thể khiến em phải vào viện bất cứ lúc nào.“Gần đây nhất em vào viện là cách đây 2 tuần, về nhà được 10 ngày lại vào. Bệnh này cứ như giả vờ buổi tối hôm trước em vẫn hoàn toàn bình thường nhưng sáng ngủ dậy lại đau, lại phải đi viện...” – Ước chia sẻ.

Biến chứng của những lần chảy máu khiến 2 chân em ngày càng teo nhỏ lại. Cũng vì phần lớn thời gian là ở bệnh viện nên em không thể đi làm, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào anh trai, còn tiền điều trị đã có BHYT thanh toán. Ước nói rằng, những bệnh nhân như em sống được là nhờ có tấm thẻ BHYT: “Không có bảo hiểm thì khó vì thuốc đối với bệnh của em rất đắt. Nếu không có BHYT những người như em không có thu nhập thì chắc chỉ 1-2 lần đi viện là hết chịu nổi…”.

Ở Trung tâm Hemophilia có rất nhiều bệnh nhân có thời gian mắc bệnh phải nằm viện điều trị giống như Nguyễn Đức Ước. Tất cả đều có BHYT và đều được hưởng 100% chi phí điều trị. Có những bệnh nhân được BH chi trả cả tỷ đồng cho 1 đợt điều trị, đó là trường hợp của Nguyễn Duy Đang, 19 tuổi ở tỉnh Nam Định: “năm 2000 em bị chảy máu não, bị hôn mê, lên cơn co giật, phải nằm viện gần nửa năm, được chỉ trả hơn 1 tỷ, em thấy biết ơn nhờ tấm thẻ BHYT em mới có thể sống tiếp...”.

Hiện nay TT Hemophilia đang quản lý và điều trị cho khoảng 2 nghìn BN mắc bệnh máu khó đông. Một đợt chảy máu cơ khớp, nhẹ thì người bệnh phải điều trị từ 2-3 ngày, nếu nặng thời gian điều trị phải tính bằng tháng. Nhưng trung bình mỗi năm, với bệnh nhân nặng sẽ có khoảng 40-50 lần chảy máu, tương ứng với ngần ấy số lần phải nằm viện điều trị. Chi phí 1 đợt điều trị khoảng 10-20 triệu đồng, tùy vào mức độ chảy máu của bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Giám đốc trung tâm Hemophilia – Viện Huyết học Truyền máu TW, nếu không có BHYT phần lớn bệnh nhân sẽ không thể duy trì được điều trị. Ngoài các thuốc thông thường, hiện nay 1 số thuốc điều trị đặc trị đã được BHYT chi trả, giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng.

Ở đây chúng tôi có những trường hợp bị Hemophilia mắc phải, có nghĩa là bệnh nhân có kháng thể chống lại yếu tố đông máu. Bệnh nhân bị chảy máu sau khi đẻ rất nhiều và đã được dùng nhiều chế phẩm máu và thuốc điều trị nhưng không cầm được máu. Khi chính sách bảo hiểm phê duyệt cho 1 loại thuốc mới để điều trị cầm chảy máu, chỉ sau 1-2 tiếng được dùng thuốc, bệnh nhân đã cầm máu ngay. Có thể nói nhờ có BHYT mà bệnh nhân đã được cứu sống”- bác sĩ Nguyễn Thị Mai chia sẻ.

Mặc dù vậy, để giảm chi phí của mỗi đợt điều trị, theo BS Nguyễn Thị Mai, cần phải xem lại cách thức để cho bệnh nhân được hưởng bảo hiểm. Ví dụ với các chế phẩm máu, hiện nay bệnh nhân chỉ được sử dụng khi đến bệnh viện điều trị, tuy nhiên nếu được phát về y tế cơ sở, thậm chí phát để bệnh nhân tự sử dụng tại nhà ngay khi phát hiện chảy máu thì lượng thuốc và các yếu tố đông máu phải sử dụng cho bệnh nhân sẽ giảm đi rất nhiều, hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn và tổng chi phí sẽ rẻ hơn so với việc bệnh nhân đến bệnh viện mới được sử dụng.

Chúng tôi cho rằng phải tối ưu hóa nguồn lực có nghĩa là cũng nguồn lực ấy nhưng chúng ta có cách sử dụng hiệu quả hơn thì chi phí sẽ giảm mà hiệu quả sẽ tốt hơn. Hiện chúng tôi đã làm việc với Bảo hiểm xã hội và Bộ y tế để thống nhất hoàn thiện hướng dẫn mới” - bác sĩ Nguyễn Thị Mai cho biết.