Mới đây 1.400 kg thịt bò nhập khẩu đã hết hạn sử dụng từ tháng 4 năm 2019, bốc mùi hôi thối đã bị lực lượng cảnh sát giao thông và Đội quản lý thị trường số 26 Hà Nội phát hiện và thu giữ khi kiểm tra xe tải chạy quá tốc độ trên đường Cienco5, quận Hà Đông.

Trước đó, đơn vị quản lý thị trường các tỉnh, thành cũng đã bắt giữ và tiêu hủy số lượng lớn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điển hình như: Cục quản lý thị trường Hà Giang đã thu giữ 1,2 tấn các loại sủi cảo, chả cá dạng viên có xuất xứ nước ngoài không có hoá đơn, chứng từ liên quan. Lực lượng chức năng cũng phát hiện một tấn rưỡi thực phẩm nhập lậu bao gồm ô mai, ngô cay, kẹo mềm tại tỉnh Bình Dương, ngăn chặn và tiêu hủy 2 tạ thực phẩm và một lượng lớn củ cải khô, dầu hào không rõ nguồn gốc tại tỉnh Lạng Sơn.

Theo ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương, cuối năm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao, do đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các sản phẩm gian lận thương mại có thể được trà trộn và xâm nhập vào nhiều kênh tiêu thụ, từ bán lẻ ngoài đường phố, chợ dân sinh đến các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng khách sạn nếu đầu vào không kiểm soát tốt.

Đặc biệt, để đối phó với cơ quan chức năng và tránh né xử phạt nếu bị phát hiện, những đối tượng buôn lậu thực phẩm thường vận chuyển bằng nhiều con đường khác nhau và thường chia nhỏ hàng hóa nhằm dễ tẩu tán trong quá trình vận chuyển, lưu trữ. Thực phẩm cũng có thể được nhập về dưới dạng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm sau đó được đóng gói, sang chiết và dán nhãn mác hàng Việt Nam để tiêu thụ. Việc mua bán các loại thực phẩm giả, thực phẩm không đảm bảo chất lượng thường được thực hiện online hoặc dưới hình thức chuyển phát nhanh cũng gây khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường trong quá trình kiểm soát.

Ông Trần Hữu Linh cho biết, dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán công tác kiểm tra, kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường sẽ được tiếp tục được đẩy mạnh.

“Chúng tôi trước hết kiểm tra xử lý vi phạm những nhóm mặt hàng trọng điểm, là thực phẩm thiếu yếu trong dịp Tết như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, đường, mỳ chính. Tập trung vào những tuyến địa bàn trọng điểm như khu vực gần cửa khẩu, đường mòn lối mở, khu vực tập kết hàng gần biên giới, chợ đầu mối, các tuyến đường sắt, đường thủy và hàng không. Đồng thời phối hợp với các lực lượng khác tăng cường ngăn chặn các đường dây buôn lậu và tiến hành hậu kiểm đối với thực phẩm đang lưu hành trên thị trường”. Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.