Ung thư không phải dấu chấm hết

Tháng 11 năm ngoái, chị Dương Thị Lâm ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ được chẩn đoán bị ung thư đại trực tràng trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ. Sau khi chụp cắt lớp ổ bụng và lồng ngực, BS nội trú Vũ Xuân Vinh và các bác sĩ ở khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Gan -Mật- Tụy, Bệnh viện Bạch Mai xác định chị Lâm bị ung thư giai đoạn sớm, chưa bị di căn nên đã quyết định áp dụng kỹ thuật tiêm máu tự thân - phương pháp mới do chính các BS ở khoa Phẫu thuật tiêu hóa gan mật tụy nghiên cứu thành công để điều trị bệnh cho chị.

Phương pháp tiêm máu tự thân tức là lấy máu của chính bệnh nhân tiêm trực tiếp vào thành đại tràng, ở đó sẽ nhìn thấy một vùng tụ máu, đó chính là khối u. Phương pháp này xác định chính xác vị trí khối u, bởi vì bản chất là máu của bệnh nhân nên cơ thể không gặp phản ứng gì khi bơm chất lạ vào” – BS Vũ Xuân Vinh cho biết.

Ca phẫu thuật nội soi thành công ngoài sự tưởng tượng khiến chị Lâm và gia đình vô cùng vui mừng. Chị Lâm kể: Sau phẫu thuật 3 ngày, chị đã có thể xuất viện và sau 7 ngày, chị đã đi làm bình thường, sức khỏe ổn định, khối u đã được giải quyết triệt để.

Theo BS Vũ Xuân Vinh, đề tài nghiên cứu này của các bác sĩ đã được công bố trên tạp chí quốc tế.

Ngày càng có nhiều bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm, kéo dài thời gian sống

Khoa học công nghệ của chúng ta từng bước tiếp cận với điều trị ung thư trên thế giới. Minh họa bởi số liệu báo cáo của GLOBOCAN – Một cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, nếu như năm 2018, nước ta đứng thứ 99/185 quốc gia về tỷ lệ mắc và 56/185 về tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên đến 2020, số tỷ lệ mắc giảm xuống 9 bậc còn 90, tử vong còn 50/185 quốc gia, vùng lãnh thổ được thống kê. Điều đó cho thấy các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ung thư hiện nay đã mang lại kết quả tích cực trong điều trị bệnh.

PGS.TS. BS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bv Bạch Mai cho biết, trong mấy năm trở lại đây, Trung tâm luôn phối hợp với các chuyên khoa như: Trung tâm bệnh nhiệt đới, khoa tiêu hóa tổ chức những buổi khám sàng lọc phát hiện ung thư giai đoạn sớm và không ngừng nỗ lực nghiên cứu, học hỏi những phương pháp mới để cứu sống người bệnh.

Đối với bệnh ung thư, để điều trị khỏi thì phải chẩn đoán sớm. Khi được chẩn đoán sớm bệnh thì sẽ điều trị khỏi bệnh. Ngay cả phát hiện muộn thì cũng kéo dài thời gian sống. Ví dụ như bệnh nhân ung thư vú khi đã xâm lấn da, cơ, thành ngực, não, xương, trước đây, những bệnh nhân này chỉ sống được khoảng 1,2 năm thì hiện nay với thuốc ức chế điều trị thế hệ mới, họ có thể sống lâu hơn. Tương tự với bệnh nhân ung thư gan, Trung tâm phối hợp với Trung tâm tiêu hóa và bệnh nhiệt đới tổ chức tầm soát, theo dõi bệnh nhân bị viêm gan để phát hiện sớm bệnh ung thư gan - đây là loại ung thư gây tử vong cao ở Việt Nam. Nhờ được áp dụng phương pháp mới nên những bệnh nhân này sẽ được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, kéo dài thời gian sống” - PGS.TS. BS Phạm Cẩm Phương nhận định.

Trước đây, điều trị cho bệnh nhân ung thư chỉ có phương pháp: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhưng hiện nay, nhiều bệnh nhân đã được tiếp cận với phương pháp hiện đại hơn là điều trị đích và miễn dịch. Có thể nói đây là phương pháp cá thể hóa, áp dụng với từng giai đoạn bệnh, tình trạng đột biến gen khác nhau mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh. BS Nguyễn Hoàng Giang – khoa Nội 1, BV Ung bướu HN cho biết, với phương pháp này, bệnh nhân ung thư phổi phát hiện giai đoạn muộn cũng có thể sống thêm 5 năm hoặc hơn thế nữa.

Điều trị đích ung thư phổi không tế bào nhỏ không biến ALK. Đây là đột biến hiếm gặp. Đột biến này thuần nhất và các báo cáo trên thế giới cho thấy tỷ lệ sống thêm 5 năm lên đến hơn 60% mà trước đây chưa có con số báo cáo nào thống kê như vậy. Chúng tôi đã có những ca bệnh nhân sống thêm 5-7 năm, đó là trường hợp ung thư phổi giai đoạn 4 khi đã có di căn nhiều vị trí. Trước đây bệnh nhân này chỉ sống khoảng 1 năm

Theo TS.BS Phạm Xuân Dũng – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam không chỉ đạt được những thành tựu trong chẩn đoán sớm ung thư mà trong điều trị, không chỉ với mục đích khỏi bệnh còn bảo đảm chức năng thẩm mỹ, sinh học cho người bệnh. Ví dụ như phẫu thuật ở mặt, các bác sĩ không chỉ giúp bệnh nhân khỏi bệnh mà còn hồi phục vẻ đẹp như trước. Hay nếu phẫu thuật ở vùng lưỡi thì cũng bảo đảm chức năng nói, nhai nuốt thức ăn… từ đó đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Hiện một số bệnh viện ở nước ta đã bắt đầu đưa robot vào thực hiện phẫu thuật điều trị ung thư, giúp giảm phản ứng phụ… Với sự phát triển của y dược, những kỹ thuật mới đưa vào giúp cho người bệnh giảm khả năng chịu các độc tính. Những phương pháp này đã tiệm cận với sự phát triển của thế giới hiện nay” – BS Phạm Xuân Dũng nhận định.

BS Phạm Xuân Dũng cho rằng, số bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm ở nước ta tăng lên cũng không phải là điều đáng lo ngại bởi điều đó cũng có nghĩa là ngày càng có nhiều bệnh nhân được phát hiện sớm, người dân đã quan tâm hơn, ý thức hơn đến việc đi khám bệnh định kỳ.

Tuy nhiên, BS Phạm Xuân Dũng khuyến cáo, để phòng bệnh ung thư, mọi người nên ngừng hút thuốc lá, giảm uống rượu bia, ăn nhiều rau xanh, thường xuyên tập thể dục, tiêm vaccine phòng ngừa bệnh viêm gan, HPV phòng ung thư cổ tử cung và kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm ung thư.