Phòng ngừa đột quỵ không đúng mức hoặc không tuân thủ điều trị
Khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm gây ra rất nhiều vấn đề về xã hội - BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc Phòng nêu thực trạng.
Theo thống kê của Mỹ, cứ 10 người đột quỵ thì 7 người không thể quay trở lại công việc trước đây. Đó là gánh nặng cho bản thân bệnh nhân, gia đình và xã hội khi mất đi nguồn nhân lực rất lớn. Ngoài ra, dù việc điều trị tốt nhưng nếu không phòng ngừa thì sẽ dẫn đến hậu quả là quá tải trong điều trị cấp, tạo nên gánh nặng cho ngành y tế.
Nguyên nhân gây đột quỵ
Đột quỵ có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, 3 nguyên nhân phổ biến nhất là tăng huyết áp làm thoái hóa tắc mạch hoặc làm nứt vỡ mạch máu não; bệnh lý xơ vữa gây hẹp và tắc động mạch não và rung nhĩ tạo cục máu đông trôi làm tắc mạch não.
Ngoài ra, những người có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn là: người bị đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim, mạch vành, xơ vữa động mạch chân, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động, uống nhiều rượu bia.
Để giảm bớt số lượng bệnh nhân đột quỵ, không gì tốt hơn là điều trị phòng ngừa, tức là kiểm soát tốt các nguyên nhân gây ra bệnh.
Với bệnh nhân rung nhĩ, nếu tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc kháng đông với sự theo dõi thường xuyên của một bác sĩ chuyên khoa thì có thể giảm được đến 70% các biến cố đột quỵ trong tương lai. Tương tự, nếu chúng ta kiểm soát huyết áp, tiểu đường, cholesterol trong máu thì có thể giảm được 65% các biến cố đột quỵ - BS Hoàng cho biết.
Tuy nhiên hiện nay, rất khó yêu cầu bệnh nhân tuân thủ điều trị. Tuân thủ ở đây bao gồm, uống đủ loại thuốc, đủ thời gian. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị ổn lại tự mua thuốc theo toa cũ. Đôi khi có trường hợp, bác sĩ cho toa thuốc 4 loại, bệnh nhân đọc và nghĩ rằng cao huyết áp là quan trọng nhất, thế nên chỉ mua thuốc huyết áp thôi, không cần mua 3 loại còn lại.
"Ở đây có 1 cái là tâm lý của người bệnh, người ta cứ nghĩ dùng thuốc là nóng trong người, hại gan, nhiều tác dụng phụ, phụ thuộc vào thuốc" - BS Hoàng cho biết.
Ngoài ra, hiện cũng đang có 1 sự nhầm lẫn giữa thuốc điều trị, kiểm soát đột quỵ do bác sĩ kê đơn và dược phẩm chức năng phòng đột quỵ được rao bán và quảng cáo.
"Chúng ta phải xem các loại thuốc mà bác sỹ hướng dẫn là quan trọng nhất để kiểm soát các chỉ số như huyết áp, mỡ máu, đường máu. Còn thực phẩm chức năng chỉ là bổ sung, tuyệt đối không thay thế thuốc bác sĩ kê bằng thực phẩm bổ sung", BS Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo.
Người khỏe mạnh có nên uống thuốc phòng đột quỵ không?
Các Hội đột quỵ đã tổng kết, trong 4 người khỏe mạnh trên 30 tuổi thì có 1 người có thể sẽ đột quỵ trong suốt phần đời còn lại - có nghĩa là tỷ lệ rất cao. Do vậy kể cả chúng ta khỏe mạnh nhưng sự lão hóa của mạch máu, nam giới 35 tuổi thì mạch máu bắt đầu xơ vữa, phụ nữ ở tuổi mãn kinh thì tốc độ xơ vữa cũng rất nhanh. Và xơ vữa mạch máu là nguyên nhân gây ra các bệnh về chuyển hóa, các bệnh về tim mạch.
"Do vậy những người khỏe mạnh vẫn có thể sử dụng các dược phẩm bổ sung tuy nhiên phải hết sức thận trọng và nếu có sự hướng dẫn của nhân viên y tế là tốt nhất" - BS Hoàng khuyến cáo.
Đồng thời, người khỏe mạnh còn có thể áp dụng một số giải pháp phòng ngừa đột quỵ như cân đối chế độ ăn hàng ngày bằng cách ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc, thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein thiết yếu cho cơ thể. Đặc biệt, cần hạn chế ăn các loại thịt đỏ, phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh, đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường...
Tập thể dục hàng ngày giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Hãy dành thời gian cho việc tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
Không hút thuốc lá, vì thuốc lá không chỉ gia tăng nguy cơ đột quỵ, mà còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.
Việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ, từ đây chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.