Bệnh nhân mắc hội chứng thị giác màn hình gia tăng sau đại dịch

Sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19, Nguyễn Văn Bình – 19 tuổi ở Hà Nội đi kiểm tra thị lực. Bác sĩ cho biết, mắt trái của em ổn định, tuy nhiên mắt phải bị tăng độ cận loạn lên 2 diop. Bình cho biết, thời gian qua, em phải học online nên sử dụng với máy tính khá nhiều, trung bình mỗi ngày chừng 6 -8 tiếng. Ngoài ra, em còn thường xuyên giải trí bằng điện thoại khiến mắt phải làm việc quá sức. Sau mỗi lần sử dụng máy tính, điện thoại trong thời gian dài là Bình thấy xuất hiện các triệu chứng khó chịu như khô mắt, mỏi mắt, nhìn xa không rõ.

Cũng đến bệnh viện khám vì các triệu chứng mỏi mắt,nhìn mờ, chị Quỳnh Hoa ở Hà Nội cho biết, ngoài thời gian làm việc với máy tính ở văn phòng thì khi về nhà chị còn thường xuyên sử dụng điện thoại để bán hàng online. Nhiều khi chỉ định kiểm tra đơn hàng trong vòng nửa tiếng nhưng công việc cuốn đi khiến chị khó có thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại, thời gian có khi kéo dài lên đến 2 tiếng đồng hồ. Cảm nhận rất rõ những ảnh hưởng đến thị lực của việc ngồi quá lâu trước màn hình máy tính, điện thoại, tuy nhiên, do yêu cầu công việc nên chị Hoa vẫn phải chấp nhận.

Bác sĩ Phạm Thị Hằng – Trưởng khoa Khúc xạ - Bệnh viện Mắt Quốc tế DND (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng cao, trong đó có nhiều trường hợp mắc hội chứng thị giác màn hình.

“Chúng tôi nhận thấy những trường hợp mắc các tật khúc xạ rất đa dạng và ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Đặc biệt là nhóm nhân viên văn phòng và học sinh, sinh viên do các bạn phải học, làm việc trên máy tính quá nhiều trong thời gian dịch bệnh” - bác sĩ Phạm Thị Hằng nhận xét.

Quy tắc 20-20-20 giúp bảo vệ mắt khi làm việc với máy tính

BS Phạm Thị Hằng cho biết, thông thường, cứ 3 giây chúng ta chớp mắt một lần. Tuy nhiên, khi làm việc với máy tính, điện thoại hay xem TV thì khoảng thời gian giữa các lần chớp mắt có thể kéo dài lên 5-7 giây. Bên cạnh đó, thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử thường kéo dài, từ 2-3 tiếng, thậm chí lên đến 7-8 tiếng một ngày dẫn đến tình trạng mắt bị rối loạn điều tiết. Đặc biệt, khi chúng ta sử dụng điện thoại, Ipad trong bóng tối, ánh sáng xanh từ màn hình sẽ làm tổn thương các tế bào thần kinh thị giác. Hậu quả là chúng ta bị nhức mỏi mắt, khô mắt, chảy nước mắt, mắt nhìn mờ, nhức đầu… ảnh hưởng đến quá trình học tập và làm việc. Ở những người đã có sẵn tật khúc xạ thì độ cận thị, loạn thị sẽ tăng nhanh.

BS Phạm Thị Hằng hướng dẫn, khi phải học tập, làm việc thường xuyên với máy tính, để hạn chế những ảnh hưởng đến thị lực, chúng ta nên áp dụng quy tắc 20-20-20. Nghĩa là sau khi nhìn màn hình 20 phút thì nhìn xa và đếm chậm đến 20. Bởi vì mắt cần ít nhất 20 giây để thư giãn hoàn toàn. Và sau khi làm việc 2 tiếng trên thiết bị điện tử máy tính thì nên nghỉ ngơi từ 15 đến 20 phút và vận động trước khi quay lại sử dụng.

Đồng thời, khi ngôi trước máy tính các bạn cũng nên nhớ màn hình xa khoảng 1 cánh tay, không nên song song với mắt mà hơi thấp hơn một chút. Đặt máy sao cho màn hình không bị phản chiếu ánh sáng. Chỉnh ánh sáng màn hình hoặc ánh sáng đèn trong phòng sao cho không quá tương phản nhau. Bạn có thể sử dụng tấm kính lọc ánh sáng xanh từ màn hình máy tính. Với TV, bạn nên lựa chọn loại có độ rộng màn hình phù hợp với diện tích của căn phòng và khoảng cách ngồi xem.

Khi bị khô mắt, mỏi mắt do tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử, bạn nên đi khám tại bệnh viện chuyên khoa mắt để được bác sĩ hướng dẫn sử dụng nước mắt nhân tạo hay một số thực phẩm chức năng bổ sung vitamin cho mắt hoặc có những hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp. Ngoài ra, trong chế độ ăn hàng ngày, bạn nên chú ý bổ sung các loại thực phẩm có màu đậm như rau xanh sẫm, các loại quả có màu đỏ, màu vàng…Với trẻ em, sau giờ học chính, các bố mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời – BS Phạm Thị Hằng đưa ra lời khuyên.