Trở lại đường chạy marathon sau 6 tháng ghép tế bào gốc

Gặp anh Vũ Việt Thành, 32 tuổi, trên đường chạy marathon, hẳn nhiều người không ngờ một năm trước, anh còn đang ở trong phòng ghép tế bào gốc để giành lại sự sống. Cách đây hai năm, khi nhận tin mắc bệnh ung thư máu, anh có cảm giác cánh cửa tương lai đã đóng sập lại. Tuy nhiên, không cho phép bản thân bị nhấn chìm trong nỗi hoang mang, lo sợ, anh bắt đầu tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về các biện pháp điều trị căn bệnh này.

Sau khi được bác sĩ tư vấn, anh Thành đã quyết định điều trị bệnh bằng phương pháp ghép tế bào gốc từ người cho là em trai. 52 ngày phải ở trong phòng cách ly là một khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với anh. Bởi khi đó hệ miễn dịch gần như bằng không, rất nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khiến anh cảm thấy như đang đi thăng bằng trên dây, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Đồng thời, do yêu cầu vô trùng nên anh phải ở một mình, và tự vượt qua nỗi cô đơn khi không được tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ hay người thân.

Tuy nhiên, với ý chí vững vàng, anh Thành đã phối hợp tốt với bác sĩ để hoàn thành quá trình điều trị. Vốn yêu thể thao, những ngày ở bệnh viện, chỉ cần có một chút sức lực là anh lại tập thể dục để nâng cao thể chất. Sau khi ghép tế bào gốc thành công, sức khỏe đảm bảo, anh đã quay trở lại đường chạy, bắt đầu từng chặng ngắn 300m, 500m rồi tăng dần lên, đến nay anh có thể chinh phục được quãng đường 42 km.

Anh Thành là một trong số gần 600 bệnh nhân ung thư máu đã được điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Trong đó, nhiều người đã trở lại cuộc sống bình thường, lập gia đình, sinh con. Câu chuyện về sự hồi sinh của anh và các bệnh nhân là minh chứng cho thấy ung thư không phải là dấu chấm hết mà là sư khởi đầu một cuộc sống mới. Bởi cho dù chặng đường chiến đấu với ung thư máu chẳng dễ dàng, nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, người bệnh vẫn có thể vượt qua.

Những kỹ thuật điều trị mới nhất mang lại hi vọng cho người bệnh

Theo PGS-TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, mỗi năm Viện Huyết học - Truyền máu trung ương tiếp nhận 1.000 - 1.500 bệnh nhân các bệnh ung thư máu mới. Đối với những bệnh nhân mắc căn bệnh này, nếu điều trị hóa chất đơn thuần, thời gian sống đến 5 năm khoảng 20-30%. Nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, tỉ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm lên tới 50-60%. Vì vậy, ghép tế bào gốc tạo máu có thể coi là phương pháp điều trị tối ưu giúp nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính, di truyền có cơ hội khỏi bệnh, quay lại cuộc sống bình thường.

Hiện nay, Viện đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép phức tạp như ghép tế bào gốc tự thân, ghép tế bào gốc đồng loài (từ anh chị em ruột, cha mẹ, máu dây rốn), ghép nửa hòa hợp, ghép nửa hòa hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn…

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Hà Thanh, trong điều trị ung thư máu, hóa trị liều càng cao càng mạnh với hi vọng diệt nhiều tế bào ung thư thì tác dụng phụ cũng tăng lên. Việc ghép tế bào gốc sẽ giúp bệnh nhân ung thư máu tăng khả năng chống chọi lại tác dụng phụ do hóa chất, cơ hội khỏi bệnh hoặc kéo dài sự sống cũng sẽ tăng lên đáng kể.

Ngoài ghép tế bào gốc, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư máu với nhiều triển vọng như thuốc nhắm đích và tế bào trị liệu.

Việc điều trị nhắm đích ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã được thực hiện cho bệnh nhân bị ung thư máu từ nhiều năm nay, mang lại hiệu quả tốt cho bệnh nhân. Loại thuốc này khi vào cơ thể sẽ tìm những tế bào ung thư để tiêu diệt, không gây độc cho cơ thể như hóa trị liệu. Một số thuốc nhắm đích bảo hiểm y tế thanh toán theo hình thức chi trả nên không còn là gánh nặng cho bệnh nhân.

Phương pháp tế bào trị liệu cũng rất ít tác dụng phụ, tác dụng chính tiêu diệt ung thư lại nhiều hơn. Phương pháp này mang lại hi vọng cho bệnh nhân, với tỷ lệ sống trên 5 năm lên tới 70 - 80%.

Hiện các bác sĩ của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương đang hợp tác với các chuyên gia từ các nước tiên tiến trên thế giới để nhận chuyển giao công nghệ điều trị tế bào trị liệu cho bệnh nhân ung thư máu trong lương lai.

PGS -TS Nguyễn Hà Thanh cho biết thêm, trong thời gian tới, Viện Huyết học – Truyền máu TW sẽ tập trung vào những kỹ thuật mới nhất mà trong khu vực và trên thế giới đang phát triển như ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô, điều trị tế bào (như liệu pháp CAR-T cell), điều trị nhắm đích bằng thuốc mới.

Những trị liệu như vậy giúp tiên lượng, điều trị bệnh nhân chính xác hơn nhiều so với trước kia, giúp người bệnh cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống và khỏi bệnh trong một số trường hợp.