Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hương Trà, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, giống như nhiều người khác, vào dịp Tết, phụ nữ mang thai cũng có nhu cầu về thăm quê, đi du lịch hoặc gặp gỡ, sum họp với người thân, bạn bè. Trong khoảng thời gian này, lịch sinh hoạt của các mẹ bầu thường bị xáo trộn, ăn ngủ không đúng giờ giấc, chế độ ăn mất cân bằng về dinh dưỡng như ăn nhiều tinh bột, chất béo, đồ ngọt, nhiều muối… nhưng lại uống nước ít hơn. Những thay đổi như vậy có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi như dẫn đến nguy cơ bị rối loạn dung nạp đường huyết hoặc kích hoạt bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Bên cạnh đó, thời tiết lạnh và ẩm của mùa đông xuân thường làm gia tăng nguy cơ tiền sản giật. Nếu như ngày thường, bà mẹ mang thai thực hiện chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý thì sẽ kiểm soát được bệnh lý này. Tuy nhiên, trong dịp Tết, nếu bà mẹ ăn ngủ thất thường hoặc sử dụng rượu bia thì nguy cơ tiền sản giật sẽ tăng lên gấp bội.

Một yếu tố nữa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong dịp Tết đó là nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, sốt xuất huyết, Adenovirus , Covid-19, thậm chí là virus Zika... khi giao lưu, tiếp xúc với nhiều người và di chuyển đến các vùng có dịch.

Bác sĩ Nguyễn Hương Trà khuyên, kỳ nghỉ Tết thường kéo dài 1 tuần, vì vậy để yên tâm đón năm mới, trước Tết các bà mẹ nên chủ động đi khám thai, kiểm tra sức khỏe, nhất là những người có lịch khám thai định kỳ trùng vào ngày Tết.

Trong những ngày Tết, phụ nữ mang thai cần cố gắng duy trì lịch sinh hoạt, ăn ngủ đều đặn. Nếu người mẹ thấy có bất cứ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe như đau bụng, ra máu, chóng mặt, buồn nôn, thai ít cử động… thì cần đến ngay cơ sở sản khoa để được khám và cấp cứu kịp thời.

Những thai phụ đang trong quý 1 và quý 3 của thai kỳ nên hạn chế đi xa. Nếu cần về quê ăn Tết thì nên chọn những phương tiện vận tải an toàn như ô tô, tàu hỏa, máy bay. Nếu như đi ô tô của gia đình thì không nên ngồi quá lâu, suốt cả chặng đường dài mà cứ khoảng 2 tiếng thì dừng lại nghỉ ngơi rồi đi tiếp.

Đặc biệt, đối với những thai phụ được xếp vào nhóm nguy cơ cao như tiền sản giật, rau cài răng lược, rau tiền đạo hoặc mổ đẻ nhiều lần thì tuyệt đối không nên đi chơi xa trong dịp Tết. Bà mẹ nên lưu số điện thoại của bác sĩ đang theo dõi cho mình để được tư vấn kịp thời khi cần thiết.