Bữa ăn hàng ngày không chỉ để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể, giúp chúng ta đảm bảo các hoạt động hàng ngày mà còn là một thú vui khi thưởng thức, khám phá hương vị của các món ăn. Tuy nhiên, nhịp sống bận rộn đã khiến những bữa ăn trở nên vội vàng, nhanh chóng và không được cảm nhận một cách trọn vẹn.

Là nhân viên văn phòng, công việc khá bận nên trong những ngày đi làm, bữa ăn sáng và bữa trưa của chị Ngọc Thúy ở Hà Nội rất nhanh và đơn giản, thường chỉ diễn ra trong vòng 5-7 phút.

Chị Thúy cho biết, từ hồi học phổ thông trung học, chị đã có thói quen ăn nhanh bởi lịch học chính khóa, học thêm dày đặc, kín mít từ sáng đến tối. Giờ đây, khi đi làm, thói quen này vẫn duy trì và thậm chí có khi vừa ăn vừa làm việc với máy tính.“Nếu ra ngoài đi ăn thì mất ít nhất nửa tiếng nên tôi ngồi ăn luôn tại bàn làm việc. Lúc ăn như thế thì mình tập trung làm việc nên ăn cho no bụng thôi, không để ý ngon hay không” – chị Thúy chia sẻ.

Ăn cho xong bữa, để khỏi bị đói cũng là tình trạng của chị Hải Phương trong những ngày làm việc. Thời gian nghỉ trưa của công ty của chị Phương chỉ khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Vì vậy, chị thường mang một ít cơm từ nhà đi để bữa trưa được giải quyết một cách nhanh gọn. Nhiều khi vừa ăn, vừa tranh thủ đọc tài liệu hay làm việc trên máy tính, chị Phương cứ nhai cơm theo quán tính mà chẳng để ý đến vị ngon của các món ăn.

Những bữa ăn nhanh, tạm bợ tại nơi làm việc, thậm chí trên đường đi học, đi làm đang trở nên phổ biến trong cuộc sống tất bật mưu sinh. Tuy tiết kiệm được thời gian nhưng việc ăn nhanh, nhai nuốt vội sẽ bào mòn sức khỏe của chúng ta mỗi ngày. PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia phân tích việc ăn quá vội có thể dẫn đến nguy cơ bị nghẹn, sặc thức ăn. Đồng thời, thức ăn chưa được nghiền nát khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn, có thể dẫn đến chứng khó tiêu và khiến cơ thể các chất dinh dưỡng không được hấp thu một cách tối đa, dẫn đến nguy cơ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng.

“Việc ăn quá nhanh có thể khiến chúng ta không kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cần khoảng 20 phút để dạ dày phát tín hiệu lên não báo rằng đã nạp đủ thức ăn. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhanh, bộ não chưa kịp nhận tín hiệu bạn đã no và chúng ta cứ thế ăn tiếp khiến năng lượng nạp vào dư thừa so với nhu cầu thật sự của cơ thể. Điều đó sẽ khiến chúng ta bị thừa cân, béo phì” – PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo.

Việc nhiều người có thói quen vừa ăn vừa đọc sách, xem phim hoặc làm việc với máy tính khiến chúng ta không tập trung thưởng thức món ăn mà bị phân tâm. Điều đó cũng có thể dẫn đến tình trạng ăn quá nhiều, quá no và khiến bạn bị rối loạn tiêu hóa.

PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng cho biết, không có hướng dẫn chính xác nào về thời gian cho một bữa ăn. Tuy nhiên, bữa ăn nên kéo dài trong 20 – 30 phút là hợp lý.

“Ăn chậm – nhai kỹ giúp thức ăn được cắt nhỏ, chúng ta không bị nghẹn, không bị nuốt quá nhiều không khí. Bên cạnh đó, thức ăn đã được thấm các dịch vị tiêu hóa ở khoang miệng và xuống dạ dày thì các chất dinh dưỡng sẽ được hấp thu đầy đủ hơn” – PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng nói.

Bên canh đó, để đảm bảo sức khỏe, tốt cho hệ tiêu hóa, PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng việc duy trì bữa ăn gia đình hết sức quan trọng.

“Bữa ăn là để duy trì sự kết nối giữa các thành viên. Bên cạnh đó, khi ăn cùng gia đình, thực đơn sẽ đầy đủ, phong phú hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn so với việc ăn một mình. Nếu chúng ta ăn riêng lẻ, ăn một mình đôi khi chúng ta ăn qua loa hoặc sử dụng thức ăn nhanh, số lượng và chất lượng bữa ăn cũng không đảm bảo. Khi ăn một mình, chúng ta không nói chuyện, không giao tiếp được thì dễ bị căng thẳng, buồn chán. Và để giảm bớt căng thẳng thì mọi người thường ăn nhiều, nạp quá nhiều năng lượng và từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài cho sức khỏe.” – PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng phân tích.