Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 17 triệu người mắc đột quỵ. Trong đó chỉ có 15-30% người bệnh sống sót sau đột quỵ có thể độc lập về chức năng và khoảng 40-50% độc lập một phần. Nhóm còn lại các chức năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến phụ thuộc chủ yếu vào sự chăm sóc của người khác như: tắm rửa, ăn uống, di chuyển…gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tinh thần của người bệnh.

Khi nhắc đến đột quỵ, người ta thường nghĩ đó là căn bệnh của người già. Nhưng ở nước ta, đột quỵ ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng (chiếm khoảng 25% các ca đột quỵ). Theo BS CKII Trần Quốc Đạt – Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, cũng giống như người cao tuổi, khi bị đột quỵ, chức năng vận động của người trẻ cũng bị ảnh hưởng.

Tai biến mạch máu não để lại nhiều di chứng, trong đó dẫn đến liệt vận động rất cao. Nguyên nhân do não bộ chỉ huy toàn bộ các hoạt động chức năng của vỏ não. Khi bị tai biến mạch máu não thì nó tổn thương các vùng não điều khiển chức năng đó. Chính vì vậy, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng khi các vùng chức năng vỏ não chi phối” – BS Trần Quốc Đạt giải thích.

Các bạn có thể tưởng tượng khi đang làm việc, đi lại, sinh hoạt như người khỏe mạnh, bỗng dưng một ngày nào đó, đột ngột bị tai biến mạch máu não, đi lại khó khăn, từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cũng phải nhờ vào sự hỗ trợ của người khác thì tâm trạng chán chường đến mức nào. Chính vì lý do đó, BS Huỳnh Tấn Vũ – Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày BV Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, cơ sở 3 khuyến cáo sau thời gian điều trị tích cực, người nhà nên quan tâm chăm sóc cả về tinh thần và thể chất cho bệnh nhân.

Người nhà nên chia sẻ với bệnh nhân về những mất mát mà bệnh nhân đã phải chịu do bị đột quỵ. Nếu không bệnh nhân sẽ dễ bị trầm cảm. Giúp bệnh nhân thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống. Nếu bệnh nhân bị mất ngủ lâu ngày thì phải dùng thuốc an thần”.

Việc tập vật lý trị liệu có ý nghĩa quan trọng giúp người bị đột quỵ hồi phục chức năng vận động, duy trì lực của cơ và lưu thông máu huyết. Bệnh nhân cần tập bên bị liệt, đồng thời được khuyến khích tập bên còn khỏe duy trì lực cơ. Nếu không duy trì vận động, bệnh nhân sẽ dễ bị cứng khớp.

Thời gian vàng để can thiệp chức năng vận động từ 24-48 giờ kể từ khi bệnh nhân bị đột quỵ. Trước hết, người nhà nên phối hợp với nhân viên y tế xoa bóp cho bệnh nhân. BS Huỳnh Tấn Vũ hướng dẫn xoa bóp vùng đầu ổn định tinh thần, nếu bệnh nhân liệt nửa người thì cho bệnh nhân nằm nghiêng bên phải, xoa bóp lưng, cổ gáy, còn ngón tay bị co, cổ tay co, thì xop bóp co mềm cơ, còn chân muốn duỗi thì xoa vùng đùi, giai đoạn đầu xoa bóp mạnh, giai đoạn sau cứng thì làm mềm giúp cho đi lại dễ dàng.

Các bạn lưu ý, thời gian xoa bóp hay tập các động tác co chân co tay không cần kéo dài, chỉ cần khoảng 20-30 phút/ngày, chia nhỏ bài tập ra để bệnh nhân không phải quá gắng sức ảnh hưởng đến sức khỏe.

Việc chăm sóc và phục hồi chức năng sau đột quỵ đòi hỏi người bệnh và gia đình không chỉ cần sự kiên trì, nhẫn nại mà còn cần sự tỉ mỉ cẩn thận từ việc thay đổi những vật dụng xung quanh bệnh nhân như giường nằm nên có đệm nước tránh cho bệnh nhân bị viêm loét, nhiễm trùng… Giường cũng nên đặt ở nơi thoáng, gần ánh nắng mặt trời, có tay vịn ở cầu thang và trong đoạn đường từ giường đến nhà vệ sinh… tránh cho người bệnh bị ngã.