Trong hơn nửa thế kỷ qua, tập thể cán bộ nhân viên Khoa Tâm thần (Khoa A6) của Bệnh viện quân y 103 đã không ngừng cố gắng học tập để cập nhật các thuốc điều trị mới, các kỹ thuật hiện đại điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần. Không chỉ điều trị nội trú cho gần 2000 bệnh nhân mỗi năm, Khoa Tâm thần còn điều trị ngoại trú cho 5000 bệnh nhân hàng năm. Tính đến nay khoa đã xây dựng được hàng chục phác đồ điều trị cho các rối loạn tâm thần phổ biến, hoàn chỉnh các quy trình kỹ thuật chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt, đây là nơi duy nhất triển khai được kỹ thuật sốc điện có gây mê tĩnh mạch bằng propofol (kỹ thuật ECT gây mê) để điều trị những trường hợp bị tâm thần phân liệt thể nặng.

Kỹ thuật ECT gây mê trong điều trị bệnh tâm thần

Từ huyện Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình, bệnh nhân Thu Hoài được mẹ đưa đến Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103 để điều trị chứng hoang tưởng, lo lắng - một dạng bệnh tâm thần nghiêm trọng. Bà Tuyết Hoa, mẹ bệnh nhân cho biết, 8 năm trước, chị Hoài từng được các bác sĩ ở đây điều trị khỏi và đã đi làm trở lại như người bình thường. Nhưng vì chủ quan hoặc vì thiếu kiến thức nên chị Hoài đã bỏ thuốc khiến bệnh tái phát.

Lần điều trị này, sau khi trải qua 6 lần sốc điện, bà Hoa cho biết, các triệu chứng của con đã đỡ hơn rất nhiều: "Cũng khá hơn. Trước toàn thấy ảo giác, cứ ngồi cười 1 mình, không tự làm được việc gì... Bây giờ không thấy ảo giác nữa...".

Theo Trung tá, tiến sĩ Đinh Việt Hùng, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa Tâm thần, liệu pháp sốc điện là đưa một dòng xung điện ngoại lai qua não làm quá ngưỡng hoạt động của các tế bào thần kinh thùy trán hoặc thùy thái dương, tạo ra cơn co giật kiểu động kinh và một tình trạng hôn mê ngắn (từ 2-5 phút), xóa đi toàn bộ những chức năng hoạt động tâm thần được hình thành trong quá trình sống, cũng như các rối loạn tâm thần được hình thành trong quá trình trị bệnh.

Những năm trước, phần lớn bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp sốc điện cổ điển, tuy hiệu quả điều trị tốt nhưng phương pháp này có 1 số tác dụng phụ như đau cơ, sai khớp hàm, thậm chí cơn co giật có thể dẫn đến gãy xương khiến bệnh nhân và gia đình lo ngại.

Để giảm bớt các tác dụng phụ, nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh, các bác sĩ ở đây đã cải tiến thành công kỹ thuật sốc điện có gây mê bằng propofol. Tiến sĩ Đinh Việt Hùng cho biết, với phương pháp này, cơn co giật do sốc điện gây ra bị hạn chế gần như hoàn toàn."Với kỹ thuật sốc điện gây mê bệnh nhân không đau đớn, rất ít tai biến. Thời gian phóng điện chỉ từ 1-2”, sau đó bệnh nhân đươc theo dõi sau sốc 30’', theo dõi tại buồng bệnh 60’'. Cái khó của kỹ thuật là bác sĩ phải định được liều xung điện vì mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau, đòi hỏi bác sĩ phải căn được chính xác".

Một liệu trình sốc điện thường từ 8-12 lần nhưng thông thường chỉ sau 3-4 lần được điều trị các triệu chứng của bệnh nhân sẽ cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, với những bệnh nhân bị căng trương lực cơ – 1 trong các thể của tâm thần phân liệt thì ở lần sốc điện thứ 2 bệnh nhân đã có những chuyển biến rất tích cực.

"Có 1 bệnh nhân ở Lào Cai có biểu hiện là loạn thần, có căng trương lực, nằm 1 chỗ khó ăn, khó nuốt, nằm nhiều sốt, bội nhiễm. Xuống đây được chẩn đoán tâm thần phân liệt thể căng trương lực, được chỉ định sốc điện, sau khi làm 2-3 lần bệnh nhân cải thiện rõ rệt, có thể tự ngồi dậy, 5-6 lần bệnh nhân trở lại bình thường hoàn toàn" - thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tất Định chia sẻ.

Tiến sĩ Đinh Việt Hùng cho biết, ngoài hiệu quả với nhóm bệnh nhân bị căng trương lực cơ, phương pháp sốc điện còn đặc biệt tốt với những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt kháng thuốc, trầm cảm có hành vi tự sát, trầm cảm có loạn thần... Hàng năm tại đây đã thực hiện hàng ngàn lượt sốc điện điều trị các rối loạn tâm thần cho bệnh nhân với tỷ lệ điều trị thành công lên đến 100%. Hiện nay thời gian điều trị trung bình của bệnh nhân đã rút ngắn còn 2 tuần, rất thấp so với các bệnh viện tâm thần khác.

Khoảng trống sau điều trị

Mặc dù điều trị thành công cho hàng ngàn người bệnh, song điều mà bác sĩ Hùng cùng các đồng nghiệp ở Khoa A6 luôn trăn trở là vấn đề tái hòa nhập cộng đồng của bệnh nhân sau khi xuất viện. Theo anh hiện vẫn còn những khoảng trống trong chăm sóc, điều trị nhóm bệnh nhân mắc bệnh lý “đặc biệt” này khi họ trở về cộng đồng.

“Có những bệnh nhân khi uống thuốc ổn định hoàn toàn sau đó họ bỏ thuốc, hỏi thì họ bảo vì hàng xóm bảo uống thuốc càng điên hơn, trong khi hàng xóm là một người nông dân. Điều đó cho thấy không ai dặn bệnh nhân phải uống thuốc trong thời gian bao lâu” - bác sĩ Hùng chia sẻ về một trường hợp mà theo anh là không hiếm gặp ở những bệnh nhân đã được điều trị ổn định trở về cộng đồng.

Vậy điều gì tạo ra khoảng trống này? Theo bác sĩ Hùng nguồn nhân lực làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nay còn rất hạn chế. Hầu như chỉ có cơ sở chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ, còn phần lớn các bệnh viện tuyến huyện không có chuyên khoa tâm thần.

Chúng tôi đã gặp ở Khoa tâm thần – BV quân y 103 nhiều bệnh nhân ở các huyện miền núi xa xôi của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An… phải về đây điều trị, điều này cho thấy còn nhiều khó khăn trong tiếp cận dịch vụ để có thể phát hiện, đưa người bệnh vào điều trị sớm. Đây cũng là lý do vì sao kỹ thuật sốc điện đã được Khoa A6 chuyển giao đến nhiều bệnh viện tâm thần trên cả nước, nhưng không nhiều nơi triển khai được.

Còn tại cộng đồng, hiện nay cán bộ y tế tuyến xã, phường, chỉ tập trung quản lý danh sách người bệnh tâm thần, cấp thuốc điều trị tâm thần theo chỉ định của tuyến trên, không khám, chẩn đoán, kê đơn điều trị rối loạn tâm thần.

Một vấn đề nữa là vẫn còn sự định kiến đối với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, thậm chí ngay trong gia đình cũng kỳ thị người bệnh. Thông thường bệnh nhân sau khi tái hòa nhập cộng đồng, muốn duy trì ổn định phải được chăm sóc, quản lý tốt vì tâm thần là bệnh mãn tính dễ tái phát. Tuy nhiên do không có sự đồng hành của bác sĩ, không có sự hiểu biết của bệnh nhân và người nhà, cùng với tâm lý kỳ thị người bệnh khiến họ rơi vào trạng thái cô đơn, lạc lõng ở chính nơi mình sinh sống.

“Chính điều này làm cho bệnh trầm trọng hơn hoặc dễ làm bệnh tái phát đối với những người đã được điều trị ổn định. Chăm sóc sau điều trị mới là quan trọng”- tiến sĩ Đinh Việt Hùng nói.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Đinh Việt Hùng, có khoảng 1% dân số nói chung mắc bệnh tâm thần phân liệt, chưa kể đến những rối loạn tâm thần khác như lo âu, trầm cảm đang có xu hướng ngày càng tăng trong xã hội hiện đại, vì vậy cần đẩy nhanh các giải pháp để lấp đầy khoảng trống trong chăm sóc và quản lý người bệnh.