Vị uống chua nhẹ và thêm chút men hơi tê tê, say say… đã tạo nên hương vị hấp dẫn của những chai nước quả lên men. Anh Tuấn – một nhân viên bán hàng của siêu thị Winmart cho biết, mặc dù giá thành của những chai nước uống này cao hơn một lon bia nhưng có thời điểm, cháy hàng không đủ để bán.

Có những chai độ cồn 4,5% bằng một lon bia Hà Nội nhưng cách lên men khác nhau, bia Hà Nội lên men bằng gạo còn cái này lên men bằng nước táo, hoa quả. Em thấy nhiều bạn trẻ mua, bản thân em uống thử cũng cảm thấy thích nó, khát là uống, mỗi tội hơi đắt so với bình thường, giá đắt gấp đôi với so với một chai bia Hà Nội” - anh Tuấn nói.

Bản chất của nước hoa quả lên men là gì?

Có thể thấy, các loại nước hoa quả lên men bán trên thị trường hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài. Theo bà Đặng Hồng Ánh – Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ - Viện Công nghiệp thực phẩm, nếu nước quả lên men từ nguyên liệu táo thì được gọi là cider, còn các nguyên liệu quả khác thì thường được dùng khái niệm nước quả lên men.

Tuy cùng gọi là nước quả lên men nhưng cũng chia ra thành chủ yếu hai loại sản phẩm do bản chất của chủng vi sinh vật lên men tạo ra.

Thứ nhất, phần lớn quá trình lên men trong các sản phẩm nước quả lên men là lên men rượu. Tuy nhiên, khác với rượu vang, nước quả lên men thường được lên men rượu ở nồng độ đường thấp hơn hoặc thực hiện quá trình lên men rượu không triệt để tạo ra độ cồn chỉ từ 2-8% Vol. Loại nước quả lên men này vẫn giữ được hàm lượng đường nhất định trong sản phẩm để tạo vị chua ngọt hài hòa đúng như một dạng nước giải khát.

Thứ hai, dòng sản phẩm này được tạo thành không có cồn mà sẽ có vị chua dịu của axit lactic kết hợp với độ ngọt của đường.

Như vậy, nước quả lên men đúng nghĩa là phải diễn ra quá trình trao đổi chất của vi sinh vật trong đó nấm men thì tạo sản phẩm rượu, vi khuẩn lactic thì tạo axit lactic và ngoài ra còn tạo các sản phẩm phụ mang lại hương thơm lên men đặc trưng cho sản phẩm nước uống lên men. Tuy nhiên có thể thấy phần lớn loại nước quả lên men bán trên thị trường hiện nay là đồ uống cồn, có nghĩa chủ yếu là hương liệu pha cồn.

Nước hoa quả lên men có tốt như những lời quảng cáo?

Phần lớn trên nhãn mác của các loại nước quả lên men bán trên thị trường hiện nay đều quảng cáo là loại nước uống giải khát, hỗ trợ tiêu hóa, giúp làn da khỏe mạnh, tươi tắn. Thậm chí người già và trẻ nhỏ đều có thể uống được để kích thích người tiêu dùng. Tuy nhiên theo bà Đặng Hồng Ánh, quảng cáo này không phù hợp đối với một số loại nước quả lên men bán trên thị trường hiện nay.

“Nếu nói đây là nước uống giải khát cũng đúng nếu dùng ở mức độ hợp lý, còn nếu dùng lượng lớn thì nồng độ cồn trong sản phẩm cũng sẽ gây nhiều hậu quả như các loại đồ uống có cồn khác, có thể gây say đối với người uống, sẽ làm cho con người luôn trong trạng thái lơ mơ hoặc bị kích thích thần kinh, điều này không thật sự tốt với giới trẻ. Đối với sản phẩm lên men lactic thì không tiềm ẩn nguy cơ về nồng độ cồn và axit lactic đóng vai trò kích thích tiêu hóa, nếu sản phẩm còn vi khuẩn sống thì đây là nguồn vi khuẩn probiotic hỗ trợ đường ruột rất tốt. Tuy nhiên vì phần lớn sản phẩm hiện có trên thị trường là sản phẩm có chứa cồn nên không phù hợp cho trẻ em sử dụng, người lớn thì khi sử dụng cũng nên coi đó là một sản phẩm có cồn nên cân nhắc lượng sử dụng cho phù hợp” – bà Đặng Hồng Ánh khuyến cáo.

Vì vậy, người tiêu dùng chỉ nên dùng nước quả lên men trong những buổi tiệc, liên hoan, tuy nhiên cũng không nên lạm dụng mà uống nhiều có hại cho sức khỏe. Khi tham gia giao thông hay trong giờ học, giờ làm thì không nên uống loại nước quả này.