Theo BS Phan Hoàng Giang - Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai, nút mạch búi trĩ là phương pháp tiếp cận mới, các nước phát triển như Anh, Mỹ cũng mới triển khai kỹ thuật này từ năm 2016. Còn ở nước ta, lần đầu tiên BS Giang thực hiện kỹ thuật này vào năm 2021 cho một trường hợp sản phụ bị trĩ nặng sau đẻ.

Chị Phạm Thị Lệ ở Hà Nam là bệnh nhân khi đó kể lại, chị sinh con lần thứ 3, do thai quá to nên sau khi sinh đã bị băng huyết, gây chảy máu ồ ạt. Chị Lệ đã được các bác sỹ tiến hành cắt tử cung để cầm máu, tuy nhiên sau phẫu thuật tình trạng chảy máu không ngừng, các bác sỹ đã chuyển cấp cứu lên BV Bạch Mai.

"Các bác sỹ chụp chiếu thấy chảy máu nhiều ở trực tràng, bũi trĩ lòi ra nhiều. BS Giang cho đi can thiệp để cầm máu. Chỉ sau mấu tiếng đồng hồ là được về phòng rồi… Đến bây giờ con mình được 19 tháng, đi khám lại thì búi trĩ đã teo bé mà không đỏ, không đau nữa, sinh hoạt bình thường…” - chị Lệ chia sẻ.

BS Giang cho biết, tỷ lệ người Việt bị trĩ rất cao. Ở mức độ nhẹ bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc để tăng sức bền thành mạch, hạn chế nguy cơ chảy máu. Còn những trường hợp nặng hơn có thể thực hiện phương pháp tiêm xơ, phẫu thuật hay longo. Tuy nhiên những phương pháp này có tỷ lệ tái phát cao 50-60%, đồng thời quá trình hậu phẫu diễn ra nặng nề, người bệnh sẽ phải chịu đựng cơn đau và chảy máu kéo dài, ảnh hưởng lớn đến chất lượng người bệnh. Phương pháp nút mạch búi trĩ có thể khắc phục được những nhược điểm này.

Nguyên lý của phương pháp nút mạch này là tác động đến cuống đuôi của động mạch búi trĩ vì trĩ chủ yếu được cấp máu bằng động mạch trực tràng dưới. Trong một số trường hợp trĩ được cấp máu bởi động mạch trực tràng giữa.

Bác sĩ sử dụng các thiết bị đi sâu vào động mạch, dùng hạt để nút thật sâu, sau đó tới vòng xoắn kim loại để cắt từng cuống đuôi. Sau khi không có máu nuôi dưỡng, các búi trĩ sẽ dần teo lại. Việc ngắt nguồn cấp máu cho búi trĩ từ đó làm cho búi trĩ teo nhỏ đi, không gây chảy máu, búi trĩ sẽ teo nhỏ dần và tụt vào bên trong, có những trường hợp làm dứt điểm thì búi trĩ sẽ rụng và ra ngoài luôn.

Phương pháp này bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, đường tiếp cận qua mạch máu ở vị trí bẹn hoặc cánh tay tiếp cận vào động mạch trực tràng để ngăn nguồn nuôi của búi trĩ thì búi trĩ sẽ teo dần đi, nó không căng lên nữa thì sẽ không chảy máu và đau nữa… Tỷ lệ tái phát sau 2 năm chỉ 20%, hậu phẫu rất nhẹ nhàng bệnh nhân có thể ra viện ngay sau 1 ngày và hoàn toàn có thể ăn uống bình thường chứ không như những phương pháp khác phải khiêng khen rất khổ sở….”, BS Phan Hoàng Giang cho biết.

Nút mạch búi trĩ là một kỹ thuật tiên tiến được các nước phát triển áp dụng rộng rãi, tuy nhiên giá thành khá cao. Để phù hợp với thu nhập của người dân VN, bác sỹ Giang đã cải tiến kỹ thuật để vừa giảm chi phí cho người bệnh mà vẫn đáp ứng được kết quả điều trị. Anh chia sẻ: “Trước đây người ta làm sẽ dùng những vòng xoắn kim loại với chi phí rất cao khoảng 7 triệu một vòng và mỗi một nút mình sẽ dùng 3-4 vòng, như vậy chi phí can thiệp đội lên rất nhiều. Mình cải tiến để giảm chi phí cho bệnh nhân giảm còn khoảng 1/3 so với thể giới mà được BHYT thanh toán...”

Hiện Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai là một trong bốn trung tâm trên thế giới thực hiện được phương pháp nút mạch búi trĩ. Trong thời gian tới, BS Phan Hoàng Giang có kế hoạch sẽ chuyển giao kỹ thuật này cho các bệnh viện tuyến dưới để người dân có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ điều trị có chất lượng.