Ô nhiễm ánh sáng là kết quả của việc thiết kế hệ thống chiếu sáng nhân tạo ban đêm không tốt, để ánh sáng chiếu ra ngoài nơi cần chiếu sáng và hướng lên bầu trời. Các nguồn ô nhiễm ánh sáng phổ biến bao gồm đèn đường, đèn chiếu sáng ở bãi đậu xe, khu mua sắm, đèn chiếu sáng bên ngoài các ngôi nhà, cơ sở kinh doanh, bảng hiệu quảng cáo... Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử sử dụng ban đêm như tivi, máy tính, điện thoại di động…cũng là nguồn ô nhiễm ánh sáng gây hại cho sức khỏe.

Theo ông Ngô Văn Quyền- Trung tâm nghiên cứu tư vấn chiếu sáng, Hội chiếu sáng Việt Nam, ô nhiễm ánh sáng có nhiều tác hại:

- Đối với con người: Nghiên cứu y học về tác động của ánh sáng đối với cơ thể con người cho thấy ảnh hưởng sức khỏe của ánh sáng quá mức hoặc thành phần quang phổ không phù hợp có thể tăng tỷ lệ đau đầu, mệt mỏi của người lao động, căng thẳng và lo lắng. Đối với những người cần phải thức vào ban đêm, ánh sáng vào ban đêm cũng có ảnh hưởng cấp tính đến sự tỉnh táo và tâm trạng thoải mái. Ánh sáng ban đêm làm gián đoạn nhịp sinh học có liên quan đến rối loạn giấc ngủ như mất ngủ và hội chứng ngủ muộn, cũng như trầm cảm, tăng huyết áp, thiếu tập trung, béo phì, tiểu đường và bệnh tim.

- Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới liệt ô nhiễm ánh sáng vào danh sách chất có thể gây ung thư. Nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học Harvard Mỹ cho thấy, ánh sáng xâm nhập, ngay cả khi ánh sáng mờ, có khả năng gây ra những ảnh hưởng đối với sự gián đoạn giấc ngủ và ức chế melatonin. Ngay cả khi những tác động này tương đối nhỏ nhưng kéo dài từ đêm này đến đêm khác làm gián đoạn chu kỳ sinh học, giấc ngủ và gián đoạn nội tiết tố, có thể gây nguy cơ sức khỏe lâu dài. Ánh sáng chói là một mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng dẫn đến điều kiện lái xe không an toàn. Đặc biệt ở người cao tuổi, ánh sáng chói làm giảm độ tương phản, cản trở tầm nhìn ban đêm. Một nghiên cứu mới năm 2021 được công bố trên Tạp chí Kinh tế Phương Nam chỉ ra rằng ô nhiễm ánh sáng có thể tăng tỷ lệ sinh non trước 23 tuần tuổi thai nhi.

- Ngoài ra ô nhiễm ánh sáng cũng ảnh hưởng đối với thế giới tự nhiên, đến đời sống động vật như làm mất phương hướng của các loài di cư, làm suy giảm số lượng các loài côn trùng bay đêm, gián đoạn chuỗi thức ăn, gián tiếp làm suy giảm một số loài lưỡng cư và tiếp theo là một số loài săn mồi khác gây mất cân bằng sinh thái.

Vậy làm gì để giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng? Mời quý vị nghe chương trình: