Bà Nguyễn Thị Hậu ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, từ trước Tết Nguyên đán bà luôn cảm thấy mệt, ho, khó thở. Bà đã đi khám ở phòng khám tư gần nhà, được bác sĩ khuyên nên đến BV kiểm tra phổi, song vì lý do đã cận Tết nên bà chần chừ. Hết Tết đi khám bà được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phế quản.
Bà Hậu còn cho biết, trước đây khi còn đi làm sức khỏe bà rất tốt. Thế nhưng 2 năm nay - kể từ khi về hưu và chuyển về sống ở quận Hà Đông thì mỗi năm bà đều phải nằm viện điều trị bệnh viêm phổi mà nguyên nhân chính là do bà thường xuyên phải hít khói bụi mỗi ngày.
“Nhà tôi ở trong ngõ gần với mặt đường phố Quang Trung, mỗi buổi chiều đường tắc nửa cây số, khí hậu ô nhiễm khói bụi kinh khủng lắm, không có chỗ nào đi nên phải ở đây. Rất bụi, sáng lau nhà 1 lần, chiều lau một lần mà vẫn bụi, nhiều lúc tôi thấy khó thở” – bà Hậu cho biết.

Tại Trung tâm điều trị bệnh phổi hiếm và các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, có nhiều bệnh nhân nhập viện do bệnh phổi diễn biến nặng.
“Ngày trước thỉnh thoảng tôi mới bị, nhưng chỉ chữa ở Bệnh viện Đống Đa là khỏi, bây giờ mới bị nặng thế này. Tôi nghĩ rằng do nhiều khi hít phải khói bụi, xăng xe nên phổi vốn đã yếu thì bây giờ bị nặng” - Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, 67 tuổi bị tràng dịch màng phổi cho biết.
Thời gian gần đây, hình ảnh bầu trời Hà Nội và một số thành phố lớn trong cả nước bị bao phủ bởi sương mù và bụi mịn dày đặc. Đáng lo ngại là trong nhiều ngày liên tiếp, thủ đô Hà Nội đứng đầu thế giới về chỉ số ô nhiễm.
Theo BS.CKII Ngô Thị Thúy Quỳnh – Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị bệnh phổi hiếm và các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, Bệnh viện Phổi TW, ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân chủ yếu góp phần khởi phát bệnh lý về đường hô hấp.
“Ô nhiễm không khí cùng với tình trạng thời tiết sau Tết độ ẩm tăng cao làm giảm lưu thông gió dẫn đến mật độ vi khuẩn, virus có thể gây khởi phát dị ứng tăng lên, ảnh hưởng đến những bệnh nhân đã có sẵn những bệnh lý nền nhiều hơn những bệnh khác. Ví dụ bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính với mật độ khói bụi cao như thế, bệnh nhân dễ khởi phát đợt cấp và khi vi khuẩn, virus ở trong không khí giảm gió thì mật độ cao hơn, dễ lây từ người này sang người khác, khiến cho bệnh dễ bùng phát.
Với đối tượng suy giảm miễn dịch và những đối tượng có bệnh lý mạn tính, bệnh phổi cấu trúc, việc điều trị thường khó khăn và phức tạp hơn những bệnh nhân khác do những bệnh nhân này thường mắc nhiều căn nguyên vi sinh cùng một lúc chứ không chỉ đơn thuần là một cái. Ví dụ bệnh nhân vừa mắc cả vi khuẩn, virus, có thể bệnh nhân vừa mắc cả vi khuẩn và nấm. Chính vì thế trong quá trình điều trị, diễn biến của bệnh nhân phức tạp hơn, thứ hai là những bệnh nhân này do miễn dịch suy yếu nên việc cải thiện cũng chậm hơn so với những cá thể khỏe mạnh” - BSCKII Ngô Thị Thúy Quỳnh phân tích.
Để phòng ngừa bệnh, BS Quỳnh khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi ra đường, sử dụng điều hòa không khí hút ẩm, giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục hợp lý để nâng cao thể trạng. Đối với người cao tuổi, người mắc bệnh lý mạn tính nên phòng cúm mỗi năm một lần, phế cầu 5 năm một lần.
“Thường những bệnh lý về hô hấp hay khởi phát vào những mùa thu đông hoặc là mùa xuân khi thời tiết ẩm thấp. Việc tiêm vaccine sẽ hỗ trợ tốt cho việc phòng tránh những căn nguyên mà mình mắc phải và tránh việc mình phải nhập viện vì những triệu chứng trở nặng. Mọi người nên tiêm trước thời điểm diễn ra dịch 1-2 tháng. Ví dụ vào mùa xuân thì có thể tiêm trước đó khoảng 1 tháng và trước khi vào mùa thu đông, tháng 9 là có dịch thì sẽ tiêm tầm tháng 7, tháng 8 để tạo ra hệ miễn dịch tốt thì nếu có mắc phải bệnh cũng bị nhẹ và không phải nhập viện” – BS Ngô Thị Thúy Quỳnh khuyến cáo.
Khi bị viêm đường hô hấp mà xuất hiện thêm các triệu chứng mệt, sốt, khó thở tăng, đau tức ngực thì đó là dấu hiệu bệnh đã trở nặng, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để khám bệnh.