Tự kỷ là một hội chứng trong nhóm rối loạn phát triển xâm nhập, ảnh hưởng đến nhiều mặt trong quá trình phát triển của trẻ. Cùng với các phương pháp điều trị y học hiện đại, điều trị tự kỷ theo phương pháp y học cổ truyền cũng rất hiệu quả.

Gia Huy - con chị Hường ở phố Thái Thịnh quận Đống Đa, Hà Nội bị bại não, liệt co cứng nửa người bên phải từ khi mới sinh ra. Bé chỉ nằm một chỗ, phản ứng nhai-nuốt đều rất khó khăn.

Gần 1 năm trước chị Hường đưa con đến Khoa điều trị và chăm sóc tự kỷ ở Bệnh viện Châm cứu TW. Tại đây, bé được các bác sĩ điều trị phối hợp 5 phương pháp: châm cứu kết hợp thủy châm, nhĩ châm, cấy chỉ, giáo dục can thiệp âm ngữ. Sau chuỗi ngày kiên trì cùng con điều trị, tập luyện, hiện nay Gia Huy là bệnh nhân tiến bộ nhất trong số hơn 70 trẻ đang điều trị ở đây.

"Bây giờ cháu tốt lên nhiều rồi, đã đi lại được một chút, gọi có phản ứng, cô giáo dạy là con hiểu, con đã nói được những câu dài chứ không chỉ học nói từng từ như trước" - chị Hường chia sẻ.

Mỗi trẻ ở Khoa điều trị và chăm sóc tự kỷ có các triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ khác nhau. Có bé không đi, không nói, không giao tiếp, khả năng hiểu ngôn ngữ kém, có bé lại chỉ thích chơi một mình... Phần lớn, trước khi được đưa đến đây các bé đã được bố mẹ đưa đi điều trị ở nhiều nơi nhưng không hiệu quả.

Chị Vũ Thị Nga, mẹ bé Nguyễn Đức Anh, 5 tuổi ở Nam Định cho biết, trước khi điều trị ở đây con không có sự tập trung chú ý, gọi không phản ứng, đi kiễng chân và rất hay quay người theo vòng tròn. Nhưng sau 6 lộ trình điều trị, con đã tiến triển rất rõ rệt.

"Giờ đây khi cần gì là con có thể chủ động nói, hoặc hay nói theo người khác, gọi đã có phản xạ, cũng biết tự đi vệ sinh..., trước đó những việc này cháu đều không tự làm được..." - chị Nga cho biết.

Để có được kết quả tốt trong điều trị như trường hợp của Gia Huy hay Đức Anh, theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng – Trưởng Khoa điều trị và chăm sóc tự kỷ, Bệnh viện Châm cứu TW, quan trọng nhất là trẻ phải được chẩn đoán, phát hiện sớm, điều trị kết hợp nhiều phương pháp và phải kiên trì.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị rối loạn tự kỷ không giống nhau giữa các giai đoạn. Ở trẻ dưới 12 tháng tuổi có thể gặp các biểu hiện như trẻ khó ngủ hoặc quấy khóc đêm, khó dỗ dành mà không rõ nguyên nhân, trẻ thờ ơ yên lặng, ít đòi hỏi sự chăm sóc của bố mẹ… Những triệu chứng này thường khó nhận biết. Nhưng ở trẻ trên 12 tháng tuổi, các triệu chứng đặc hiệu hơn như trẻ không biết nói bập bẹ, mắt đáp ứng âm thanh nhưng gọi không có phản ứng, không hòa nhập..v..v.. Bác sĩ Dũng khuyến cáo cha mẹ nên để ý những triệu chứng này để đưa con đi điều trị sớm.

Khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ - Bệnh viện Châm cứu TW hiện đang áp dụng phương pháp chính điều trị tự kỷ gồm châm cứu, thủy châm, nhĩ châm, xoa bóp bấm huyệt, giáo dục tâm lý. Tùy từng giai đoạn, bác sĩ sẽ phối hợp các phương pháp điều trị, can thiệp giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng tự kỷ. Trung bình 1 liệu trình điều trị kéo dài khoảng 3-4 tuần và thông thường sau từ 2 đến 3 liệu trình điều trị trẻ bắt đầu có những cải thiện về triệu chứng rất rõ rệt.

"Ví dụ khả năng giao tiếp bằng mắt, khi hỏi thì cháu đã biết nhìn vào mắt mình, thời gian nhìn dài hơn, thứ 2 là tập trung chú ý tốt hơn, khi mình gọi đã biết quay đầu, biết nghe, nhận thức cũng khá hơn, khi các cô dạy, các cháu nói được ngay ngày trước cả năm các cháu không nói được thêm từ, nhưng sau khi châm cứu khai khiếu các cháu nói được những từ đơn như bố, mẹ, ông, bà…" - theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng.

Trẻ tự kỷ càng được can thiệp sớm, tỷ lệ điều trị thành công càng cao. Ở Khoa điều trị chăm sóc trẻ tự kỷ của Bệnh viện Châm cứu TW năm nào cũng có trẻ đến tuổi đi học được về địa phương để đăng ký học tiểu học, hòa nhập cộng đồng.../.

Nghe bài viết tại đây: