Nhiều bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực:
Tại buổi làm việc, TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Bệnh viện dã chiến 16 có tổng cộng gần 3.000 giường, trong đó có 500 giường hồi sức tích cực. Bệnh viện Bạch Mai đảm trách chính hoạt động của cả Bệnh viện dã chiến số 16 và Trung tâm hồi sức tích cực. Bệnh viện Bạch Mai đã đưa vào đây khoảng 400 y, bác sĩ. Nhiều trang thiết bị hiện đại của Bộ Y tế và của Bạch Mai đã được vận chuyển vào và lắp đặt để phục vụ người bệnh.
Hiện Trung tâm đang điều trị gần 200 người, trong đó nhiều bệnh nhân đã hồi phục, chuyển từ nặng sang nhẹ. Ngay trong đêm 19/8 và ngày 20/8, Trung tâm tiếp tục đón thêm nhiều bệnh nhân khác. Tất cả các phòng bệnh đều có chuông báo động và các hoạt động được kết nối với trung tâm điều hành qua hệ thống camera. Bất cứ biến chuyển nào của bệnh nhân đều nắm được ngay để có hướng điều trị hợp lý.
Tại Trung tâm, một số tình nguyện viên từ các tôn giáo cũng đã đến hỗ trợ, giúp sức cho các y bác sĩ trong quá trình chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Đời sống của tập thể thầy thuốc và các tình nguyện viên được TP. HCM và các tổ chức chăm lo chu đáo.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm Giám đốc Trung tâm cho biết thêm: Nhân lực làm việc tại Trung tâm đều là thầy thuốc, chuyên gia hàng đầu về hồi sức, cấp cứu và điều trị các bệnh về hô hấp. Hiện các bác sĩ đang cố gắng cứu chữa người bệnh tốt nhất, bất kể ngày đêm. Tuy nhiên, Trung tâm cần thêm máy lọc máu. Bên cạnh đó việc xử lý rác thải, chất thải cần được các đơn vị của TP. HCM giúp giải quyết tích cực hơn, nhanh chóng hơn. Tất cả vì mục tiêu chung, cao nhất đó là cứu người và bảo đảm an toàn cho y bác sĩ.
Ngành y tế TP. HCM cần phối hợp phân luồng tốt người bệnh
Sau khi nghe các báo cáo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: Hoan nghênh và trân trọng tinh thần của tất cả các thầy thuốc không quản khó khăn vào tâm dịch điều trị cho người bệnh. Theo quyết định của Bộ Y tế thì BV Bạch Mai còn được phân công giúp các cơ sở y tế của Quận 7, Quận 8 và hai huyện Nhà Bè, Cần Giờ. Việc giúp đỡ này, theo báo cáo của BV, đang triển khai tốt là rất đáng khích lệ. Với kinh nghiệm trong chỉ đạo tuyến, kết nối khám chữa bệnh từ xa, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới mình phụ trách, hy vọng sự giúp đỡ của Bệnh viện Bạch Mai với các cơ sở y tế của 4 quận, huyện trên sẽ là hình mẫu.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị Sở Y tế TP. HCM chỉ đạo sát sao các bệnh viện trực thuốc kết nối chặt chẽ với bệnh viện tuyến trên (cụ thể như BV Bạch Mai) thông qua cả trực tiếp và gián tiếp. Cùng với đó yêu cầu các Bệnh viện dã chiến phải cử người làm nhiệm vụ này để tiếp nhận các chỉ đạo chuyên môn, các góp ý của bệnh viện tuyến trên.
Khi bệnh nhân Covid-19 đã qua giai đoạn nguy kịch và hồi phục cần tiến hành hội chẩn để chuyển xuống tầng 2 và tuyến dưới phải sẵn sàng nhận. Ở tầng 2 nếu có ca chuyển biến nặng thì cần hội chẩn trước khi được chuyển lên Trung tâm. Như vậy sẽ có sự điều hành nhịp nhàng, tránh tình trạng bệnh nhân chuyển lên Trung tâm mà chưa kịp bố trí giường bệnh…