Mới đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân tên là L.C.C, 62 tuổi, đến từ huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, toàn bộ vùng cẳng chân phải có những nốt phỏng nước đã bị hoại tử đen kèm sốt cao và mệt mỏi…
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ nhận định đây là tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng, vùng cẳng chân bị hoại tử, suy đa phủ tạng… trên nền bệnh nhân đái tháo đường, xơ gan… do nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết, ông làm nghề nuôi tôm thuê, mỗi ngày thường lội xuống đầm cho tôm ăn cám, lắp máy.
“Chiều hôm đó, tôi đi làm, vừa lội xuống thì chân thấy buốt, không đi được, lúc đó, ở cẳng chân đã có những nốt sưng. Tôi gọi cho con trai chở ra Trung tâm y tế huyện truyền thuốc giảm đau nhưng không đỡ, các nốt sưng đến đâu đen đến đó. Càng tối càng buốt, không chịu nổi, tôi lại gọi điên cho con đi Trung tâm y tế huyện. Bệnh viện huyện bảo không chữa được, chuyển lên bệnh viện tỉnh giữ lại 1 đêm thì sáng hôm sau chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai” – bệnh nhân C kể lại.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – BS điều trị cho ông C cho biết, vì bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết trên nền bệnh nhân bị xơ gan, đái tháo đường nên sau khi hồi sức bảo đảm tuần hoàn hô hấp, các bác sĩ đã phải dùng kháng sinh liều mạnh (nhóm kháng sinh thế hệ 3) để can thiệp, điều trị chống sốc, chống suy đa dạng và đồng thời điều trị bệnh lý nền cho bệnh nhân.
Sau khi được điều trị tích cực, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, chân đỡ sưng, có thể tự ăn uống và nói chuyện được.
“Bây giờ sức khỏe tốt hơn trước, đỡ còn 3/10 phần. Mặc dù chưa đi được nhưng đã có thể ngồi xe lăn” – bệnh nhân C cho biết.
Tuy nhiên, vùng da bị tổn thương đã bị hoại tử, bệnh nhân vẫn cần phải làm cấy ghép da và điều trị thêm một thời gian nữa mới có thể xuất viện.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, trung bình mỗi năm Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai tiếp nhận và điều trị 2-3 bệnh nhân là ngư dân đi biển, làm nghề nuôi trồng thủy hải sản bị sốc nhiễm khuẩn, tổn thương tiến triển nhanh dẫn tới suy đa phủ tạng do bị nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus như trường hợp của bệnh nhân C.
Vi khuẩn Vibrio Vulnificus sống ở vùng nước mặn, nếu tiếp xúc với nguồn nước khi da đang bị xước, tổn thương sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, gây tổn thương da, gây phỏng. Trong nốt phỏng đó sẽ chứa dịch, chứa nhiều vi khuẩn. Vi khuẩn nhanh chóng xâm nhập vào máu rồi đến các cơ quan phủ tạng gây suy thận, suy gan, suy hô hấp, trụy tim mạch. Có khoảng 30-40% trong số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus đi cấp cứu muộn, tuy bệnh nhân đã được cấp cứu lọc máu nhưng vẫn tử vong.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Duy Cường khuyến cáo người dân thường xuyên làm việc trong môi trường nước mặn nên đi ủng, mặc đồ bảo hộ khi lội xuống nước. Lao động xong thì rửa sạch bằng xà phòng, nếu trầy xước ngoài da thì bôi thuốc sát khuẩn luôn, không để chỗ trầy xước tiếp xúc với nguồn nước. Khi có biểu hiện sốt, mệt mỏi, chân có nốt phỏng lan rộng thì cần đến bệnh viện ngay.