Từ bệnh viện dã chiến số 1 trở về nhà đã gần 2 tháng nhưng anh Lê Anh Đức ở phường Phú Mỹ, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn bị những cơn ho hành hạ. “Theo hướng dẫn của bác sĩ, mỗi ngày tôi tập hít thở 5 lần, mỗi lần kéo dài 15 phút. Nếu không ngồi được thì tôi nằm tập thở bằng cách đặt 2 tay lên bụng, hít sâu vào, dừng khoảng 1-2 giây rồi thở mạnh ra, hít sâu vào, lặp đi lặp lại khoảng 50 lần như vậy…” – Anh Đức cho biết.

Anh Lê Anh Đức tâm sự, tình trạng này nặng nhất là ở 2 tuần đầu mới xuất viện, sức suy kiệt, thường xuyên bị khó thở, nhiều lúc tưởng không thể vượt qua. Chính sự động viên, chăm sóc của người thân đã giúp anh có thêm ý chí, nghị lực tiếp tục cuộc chiến với “tử thần”.

Tập luyện kết hợp với dinh dưỡng hợp lý, lâu ngày, cơn ho cũng giảm dần. Song tình trạng hụt hơi xảy ra bất thình lình và nhiều lần trong ngày vẫn khiến anh cảm thấy khó khăn trong vận động. Nhất là sự ám ảnh còn đeo bám trong tâm trí về những ngày ở trong bệnh viện dã chiến khiến cho anh chưa thể có một giấc ngủ trọn vẹn. “Mỗi ngày, tôi chỉ ngủ được 4 tiếng từ 9h tối đến 1h sáng hôm sau. Nhiều khi nghĩ đến tiêu cực lại thấy hoang mang, sợ sệt. Cứ phải ngồi dậy tập thở để quên đi…

Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở y tế đầu tiên của thành phố thành lập cơ sở điều trị và phục hồi hậu Covid cho những bệnh nhân F0 sau khi đã điều trị khỏi. BS CKII Huỳnh Tấn Vũ – Trưởng Đơn vị điều trị ban ngày cơ sở 3 – BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, sau một thời gian khám và điều trị thì thấy rằng có khoảng 50 triệu chứng do hậu Covid để lại, trong đó ho, khó thở, mệt mỏi và mất ngủ kéo dài như của anh Lê Anh Đức là triệu chứng thường gặp nhất.

Nguyên nhân chính là do Covid tác động đến hệ hô hấp rồi tác động đến toàn bộ cơ quan khác trong cơ thể như tim mạch, phổi, gan, tiêu hóa, da, thần kinh, cơ xương…. Ví dụ như về thần kinh gây lú lẫn, mất vị giác, mất khứu giác kéo dài hoặc dẫn đến bệnh cảnh như đột quỵ. Tổn thương cơ quan hay gặp nhất là mũi, gây ho, khó thở, đau ngực, gây xáo trộn về sức thở và vận động của người bệnh, lâu ngày gây ra trầm cảm, stress, không muốn tiếp xúc với người khác. Còn đối với tim mạch, bệnh gây đánh trống ngực, suy tim. Về da, hội chứng hậu Covid khiến da bị nổi mẩn như nổi mề đay. Nhiều người còn bị mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau khớp, các vấn đề thần kinh ngoại vi, thiếu máu hoặc đau ở đầu chi” - BS CKII Huỳnh Tấn Vũ chia sẻ.

Phần lớn các bệnh nhân Covid-19 đều bị ảnh hưởng bởi các hội chứng này nhưng người dễ bị tổn thương nhất là những người không được tiêm vaccine, bị bệnh lý nền như cao huyết áp, rối loạn cholesterol, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, béo phì hay người bị bệnh lý dị ứng, bệnh lý về suy giảm miễn dịch như ghép tạng…

BS CKII Huỳnh Tấn Vũ cho rằng, Covid-19 là đại dịch mà ngoài những tổn thương cấp tính cần giải quyết tại chỗ như là thở oxy, đặt nội khí quản hay hồi sức cấp cứu thì cần có kế hoạch chiến lược chăm sóc cho bệnh nhân sau hậu Covid bởi tùy theo sức khỏe của bệnh nhân, những tổn thương đa tạng đó có thể để lại di chứng lâu dài. “Hiện nay chưa có thống kê nào nói rằng trong bao lâu, bệnh nhân Covid-19 mới hồi phục sức khỏe hoàn toàn nhưng có thực tế thấy rằng, nếu không có tác động, chăm sóc kết hợp với phục hồi chức năng hậu Covid thì khả năng hồi phục của bệnh nhân sẽ ngày càng chậm” – BS CKII Huỳnh Tấn Vũ cho biết thêm.

Nhưng trước khi có chiến lược chăm sóc lâu dài cho bệnh nhân Covid-19, BS CKII Huỳnh Tấn Vũ khuyên các F0 sau khi đã điều trị khỏi thì nên đến bệnh viện có chức năng phục hồi hậu Covid để thăm khám sức khỏe, làm các xét nghiệm sinh hóa, huyết học… để biết được tình trạng sức khỏe, từ đó các BS sẽ đưa ra phác đồ điều trị và phục hồi chức năng giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh hơn và hạn chế những biến chứng sau này.

Thời gian đầu mới xuất viện là giai đoạn khó khăn nhất mà bệnh nhân Covid-19 phải vượt qua. Bên cạnh việc tiếp tục thăm khám BS thì sự chăm sóc của gia đình có ý nghĩa quan trọng giúp bệnh nhân vượt qua./.