Theo báo cáo từ ngành y tế tỉnh Quảng Bình, trong vòng 1 tuần trở lại đây, bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện, địa phương đã ghi nhận trên 6.000 ca đau mắt đỏ, tập trung ở 3 địa phương Tuyên Hóa, Bố Trạch và thành phố Đồng Hới. Đa số các bệnh nhân có cùng triệu chứng như: mắt đỏ, chảy nước, ngứa, mi sưng…

Theo các bác sĩ, khả năng cao bệnh là do virus gây ra, nên tính chất bệnh rất dễ lây lan, nhất là ở các trường học.

Những ngày qua, cơ quan y tế tại Quảng Bình đã phối hợp tổ chức giám sát ca bệnh, đặc biệt ở những trường học có số lượng học sinh mắc nhiều; hướng dẫn người dân, giáo viên và học sinh các biện pháp phòng, chống.

Đặc biệt, cho những học sinh mắc bệnh theo dõi điều trị tại nhà, không đến trường để tránh lây nhiễm cho bạn bè trong lớp.

Bác sĩ Trần Ánh Dương, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cho hay, những ngày gần đây, tại bệnh viện tiếp nhận số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tăng hơn 30%.

Tuy chưa có trường hợp biến chứng nặng nhưng việc điều trị đau mắt đỏ cần được lưu ý tại các cơ sở y tế khi bệnh nhân tới khám nhằm làm giảm bệnh tiến triển nặng thêm và phòng ngừa biến chứng cũng như lây lan thành dịch. Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình, trong những ngày gần đây, bệnh đau mắt đỏ đang có dấu hiệu tăng vọt. Bệnh đau mắt đỏ (tên khoa học là viêm kết mạc cấp) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ gia tăng, để chủ động phòng, chống, không để dịch bùng phát, Sở Y tế Quảng Bình đã yêu cầu trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch.

Tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống, cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp bị bệnh, không để dịch đau mắt đỏ bùng phát, lây lan trên diện rộng, chuẩn bị thuốc, vật tư, hóa chất phòng, chống dịch và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.