Ngày 14/12, theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Quảng Bình, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc vừa cấp cứu thành công bệnh nhân T.Q.U (SN 1970, trú tại huyện Lệ Thủy) bị ngộ độc do ăn cá nóc.

Theo gia đình bệnh nhân, trước đó ông U. tự chế biến thịt cá nóc và ăn tại nhà. Sau khi ăn khoảng 15 phút, ông xuất hiện các triệu chứng tê vùng lưỡi, tê bì tay chân, nói ngọng… nên được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy để cấp cứu. Do tình trạng quá nặng, ông đã được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.

Khi vào Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng rất nặng có nguy cơ tử vong. Các bác sĩ đã lập tức tiến hành biện pháp hồi sức tích cực. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân U. bắt đầu hồi phục, tri giác cải thiện và cai thở máy. Hiện bệnh nhân dần hồi phục sức khỏe, tỉnh táo, cơ lực hồi phục hoàn toàn, đã được chuyển qua điều trị tại Khoa Nội cơ xương khớp - hô hấp - da diễu.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nhân, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, cá nóc chứa loại độc tố có tên tetrodotoxin, tập trung ở các cơ quan nội tạng, da, cơ bụng, túi tinh, đặc biệt trong trứng cá. Tetrodotoxin không bị phân hủy khi nấu chín hay phơi khô, được hấp thụ nhanh chóng qua đường tiêu hóa trong vòng 5-15 phút.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), triệu chứng ngộ độc ban đầu là hoa mắt, chóng mặt, tê bì vùng mặt, tay chân, sau đó bệnh nhân nhanh chóng bị liệt cơ, suy hô hấp, rất dễ gây tử vong.

Cá nóc thường dễ nhận biết, với vẻ ngoài có thân ngắn khoảng 4 - 20cm, chắc, thường có nhiều màu sắc khác nhau, da cứng, vảy ngắn. Đầu cá to, mắt lồi, không có vảy lưng và bụng, nhưng lởm chởm đầy gai. Bụng cá thường to tự phình lên như quả bóng, nằm ngửa tự trôi theo dòng nước. Tuy nhiên, khi phơi khô, nếu cá nóc lẫn lộn với các loài cá khác cùng kích thước thì rất khó nhận biết.

Vì cá nóc chứa chất độc cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe con người nếu ăn phải cho nên người dân cần chủ động nâng cao ý thức phòng tránh, tuyệt đối không sử dụng cá nóc làm thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngộ độc cá nóc như sau: Cần loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá; Loại bỏ cá nóc lẫn cá thường khi phơi khô; Không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm các nóc khác để bán; Không ăn cá nóc tươi và các sản phẩm chế biến từ cá nóc.

Khi ăn phải cá nghi ngờ là cá nóc nếu xuất hiện dấu hiệu: ngứa họng, tê môi, tê lưỡi, tê bàn tay… thì gây nôn ngay bằng ngoáy thành sau họng, uống thuốc giải độc (than hoạt và sorbitol), đồng thời phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.