Tình trạng bệnh nhân có BHYT nhưng vẫn phải ra ngoài mua thuốc, găng tay, băng gạc, kim tiêm... là thực tế đã và đang diễn ra tại nhiều cơ sở y tế. Tại phiên chất vấn trước Quốc hội chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện tượng này đã diễn ra trong một thời gian dài, Bộ Y tế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết.

Ngay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Vụ BHYT- đơn vị được Bộ Y tế giao trách nhiệm xây dựng dự thảo thông tư “quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế khám chữa bệnh BHYT trong trường hợp đặc biệt” đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến của chuyên gia và các bộ ngành liên quan để thông tư sớm được ban hành, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT.

Bà Trần Thị Trang – Vụ Trưởng Vụ BHYT cho biết, dự thảo thông tư được nghiên cứu, xây dựng để áp dụng cho những trường hợp bất khả kháng, đặc thù và chỉ áp dụng trong một giai đoạn nhất định nhằm giải quyết một số hệ lụy sau 3 năm chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.

Áp dụng quy định tại điểm C, khoản 2 điều 31 của Luật BHYT, dự thảo đề xuất 3 trường hợp người bệnh sẽ được thanh toán chi phí trực tiếp với cơ quan BHYT.

"Các trường hợp được thanh toán trực tiếp là những trường hợp trong điều kiện cơ sở y tế không cung ứng được thuốc vì lý do khách quan, bất khả kháng như trong thời gian chờ kết quả đấu thầu mà hết thuốc, hoặc đã có kết quả đầu thầu nhưng tại thời điểm chỉ định thuốc, vật tư y tế cho người bệnh nhà cung ứng ngừng cung cấp hoặc thuốc hiếm không có sẵn do có nhiều loại không thể mua, không thể dự trù. Khi đáp ứng đủ điều kiện trên cơ sở mới để cho người bệnh mua thuốc ở bên ngoài, còn về nguyên tắc thì cơ sở phải đảm bảo cung ứng thuốc..." - bà Trần Thị Trang thông tin.

Dự thảo cũng quy định rất cụ thể về giá, về hình thức thanh toán, mức thanh toán và quy trình thủ tục. Cụ thể, mức thanh toán, dự thảo thông tư đề xuất như sau:

Với các loại thuốc, vật tư y tế đã thanh toán BHYT trước đó tại cơ sở KCB thì mức thanh toán là giá thanh toán BHYT tại thời điểm gần nhất so với thời điểm mà cơ sở y tế hoặc người bệnh phải mua thuốc. Với các thuốc, vật tư y tế chưa thanh toán BHYT trước đó tại cơ sở KCB thì mức giá thanh toán là giá trúng thầu thấp nhất tại thời điểm người bệnh mua thuốc.

Giá trúng thầu được tra cứu trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế và BHXH VN theo các nguyên tắc đã được quy định rõ.

Để tránh việc cơ sở y tế lạm dụng việc thanh toán trực tiếp, không tổ chức mua sắm đấu thầu theo quy định, dự thảo cũng đưa ra quy định, nếu vì lý do khách quan cơ sở KCB không có sẵn thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh phải chịu trách nhiệm giải trình. Trường hợp không có thuốc vì lý do chủ quan, cơ sở khám chữa bệnh đó phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Hiện dự thảo thông tư đang được lấy ý kiến các bộ ngành để sớm đưa vào thực hiện với nguyên tắc tối đa là đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT.