Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, về cơ bản dịch bệnh đang được kiểm soát trên cả nước với số ca chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Tuy nhiên, từ mùng 4 Tết đến nay, số ca nhiễm đang tăng dần trở lại, đến mùng 7 Tết lên gần 17.000 trường hợp. Tối 8/2, số ca nhiễm cả nước lên gần 22.000, cao nhất kể từ tháng 10 đến nay trong bối cảnh thích ứng. Tổng cộng một tuần qua, Bộ Y tế công bố gần 100.000 ca nhiễm.

Số trường hợp nặng xu hướng giảm mạnh, gần đây duy trì ở mức trên 2.000 ca mỗi ngày, trong khi tháng trước luôn hơn 3.000-4.000. Số ca bệnh nặng, nguy kịch tuần qua giảm hơn 27% với tuần trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng bệnh nhân tử vong trong một tuần giảm 246 ca.

Việc gia tăng ca Covid-19 sau thời gian nghỉ Tết cũng được các chuyên gia dự đoán trước đó. Tuy nhiên, họ cho rằng tình hình "chưa đáng lo ngại", chỉ cần người dân tiếp tục tuân thủ tốt 5K để tránh nguy cơ tạo làn sóng dịch mới.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), nguyên nhân đầu tiên khiến số ca Covid tăng là ngày Tết nhiều lễ hội, gặp gỡ, tiếp xúc đông người làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Thứ hai, sau Tết lượng người lao động trở lại thành phố để tiếp tục làm việc; học sinh, sinh viên được trở lại trường học, dẫn nhu cầu xét nghiệm cao hơn, "càng xét nghiệm càng phát hiện ca nhiễm mới". Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thực hiện nới lỏng, thích ứng linh hoạt, an toàn hơn với dịch bệnh.

Ông Phu cũng đồng nhận định với Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, rằng "số ca nhiễm tăng nhưng dịch vẫn đang kiểm soát được". Ngoài ra, số ca nặng hiện không quá nhiều vì độ bao phủ vaccine rộng trên cả nước. Hơn 182 triệu liều vaccine đã tiêm, trong đó tiêm mũi một hơn 79 triệu liều, tiêm mũi hai 74 triệu liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 29 triệu liều. Hơn nữa, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch, điều trị bệnh qua các đợt dịch.

Các chuyên gia khá lạc quan khi dự báo tình hình dịch thời gian tới. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP HCM), nếu người dân duy trì thực hiện tốt 5K, số ca nhiễm tăng trong thời gian ngắn rồi sau đó giảm dần, không tạo làn sóng dịch mới, do tỷ lệ tiêm chủng đủ trong dân số đã khá cao.

"Tuy nhiên, nếu người dân chủ quan không tuân thủ 5K, người có bệnh không tự cách ly, vẫn đi lại thoải mái thì dịch có khả năng bùng phát trở lại", phó giáo sư Dũng phân tích.

Trên thực tế, Việt Nam từng ghi nhận nhiều đợt bùng phát dịch sau các đợt nghỉ lễ kéo dài. Sau Tết Nguyên đán năm ngoái, đợt dịch thứ ba bùng phát với hơn 1.300 ca nhiễm, lây lan cộng đồng tại 13 tỉnh, thành phố. Sau kỳ nghỉ lễ 30/4/2021, đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh với biến chủng Delta, Việt Nam bước vào giai đoạn đau thương, khốc liệt nhất trong cuộc chiến chống Covid. Khi ấy, vaccine chưa bao phủ nhiều, dịch nhanh chóng lan rộng cả nước với số ca nhiễm và tử vong tăng vọt, gấp nhiều lần mọi con số trước đây. Đến nay, tổng số ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4 lên đến hơn 2,3 triệu, chiếm xấp xỉ 99,7% tổng số ca nhiễm, và dịch vẫn chưa kết thúc.

Trên thế giới, hồi đầu tháng 4 năm ngoái, sau khi 3,5 triệu người ngâm mình ở lễ hội sông Hằng, Ấn Độ ghi nhận chùm siêu lây nhiễm với hơn 2.000 ca một ngày. Thời điểm ấy, các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan cũng ghi nhận những đợt bùng phát dịch do sự chủ quan, không đeo khẩu trang và các sự kiện lễ hội tập trung quá đông người.

Đây là những bài học chống dịch được các chuyên gia dẫn chứng để cảnh báo nguy cơ bùng dịch từ những sự kiện đông người, và dự báo số ca nhiễm trong nước tăng cao sau dịp Tết năm nay.