Ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hiện nay, có những vật dụng đã dần dần bị thay thế đó là chiếc đèn đọc phim X-quang, cộng hưởng từ (CT), chụp cắt lớp MRI (do phim chụp hiện nay đã được lưu trên hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh), là những tập hồ sơ bệnh án trước kia được xếp chồng chất lên nhau tại các kệ lưu trữ, là sổ sách, giấy tờ ghi lại quá trình khám chữa bệnh hàng ngày của các y bác sĩ… Chỉ cần có mã số bệnh nhân, bác sĩ có thể truy cập lấy thông tin trên phần mềm quản lý mà không cần giở bệnh án... Tất cả sự thay đổi này, chia sẻ với PV VOV2 TS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc BV khẳng định là nhờ chuyển đổi số.

Dấu mốc của quá trình chuyển đổi số tại đây bắt đầu từ cuối năm 2019. Sau gần 5 năm thực hiện, TS Nguyễn Văn Thường cho biết, bệnh viện đã thêm mới và cải tiến gần 300 quy trình liên quan đến khám chữa bệnh, trong đó chỉ tính riêng quy trình vào viện, thanh toán, cấp phát thuốc đã giúp bệnh nhân giảm được 50% thời gian đi khám chữa bệnh.

“Ngày xưa khi bệnh viện chưa áp dụng chuyển đổi số một cách triệt để, người bệnh đến bệnh viện sẽ mất khoảng hơn 3 giờ để vừa khám, vừa xét nghiệm, chụp chiếu và lĩnh thuốc thì hiện nay chỉ mất khoảng 1,5 giờ là hoàn tất mọi quy trình để ra về” - TS Nguyễn Văn Thường cho biết.

Đặc biệt, với 13.000 bệnh nhân có hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe tại đây, trước ngày đến lịch tái khám sẽ nhận được tin nhắn của bệnh viện “nhắc” ngày, giờ đến khám. Bệnh nhân chỉ cần cầm theo căn cước công dân, mọi thông tin sẽ hiện ra trên hệ thống sau khi nhân viên y tế quét mã QR.

Ông Trần Văn Luận 85 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội - một bệnh nhân “lâu năm” ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, khi bệnh viện chưa ứng dụng CNTT, mỗi tháng, đến ngày đi tái khám ông rất ngại vì phải đi từ sáng sớm, xếp hàng và chờ đợi. Nhưng hiện nay, quy trình khám chữa bệnh đã thay đổi, chỉ mất chưa đầy 2 giờ đồng hồ là quá trình khám, lấy thuốc của ông được hoàn tất và ra về.

“Bây giờ đi khám nhàn hơn trước nhiều, cứ có mặt trước giờ hẹn 5-10’, sau đó vào khám luôn. Thậm chí, nếu muốn xem lại phim chụp thì chỉ cần có mã số bệnh nhân mở ra là có hết, kể cả kết quả xét nghiệm máu...” – ông Luận nói.

Thay vì tâm lý ngại đi bệnh viện, sợ phải chờ đợi lâu thì hiện nay ông Luận cũng như nhiều bệnh nhân khác đã hình thành “thói quen đi khám bệnh”.

“Trước ngày mình đi khám sẽ có tin nhắn tự động: “Ngày mai quý khách có lịch khám ở phòng 101 lúc…, mời quý khách đến khám… ví dụ hôm nay BS hẹn thời gian khám từ 8h-8h25 thì mình cứ gần đến giờ là mình ra chứ không cần đi sớm. Rất tiện”- ông Hoàng Đình Thành 65 tuổi ở quận Long Biên, TP. Hà Nội hào hứng chia sẻ.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp đón khoảng 2.000 người đến khám chữa bệnh, trong đó 60% bệnh nhân ngoại trú đến khám có lịch hẹn trước, số còn lại là nội trú, bệnh nhân cấp cứu hoặc không hẹn. Nhờ số hóa trong mọi khâu nên không có tình trạng ùn ứ, quá tải – đặc biệt vào đầu giờ sáng, đầu tuần ở khu khám bệnh, quầy thuốc và khu vực thanh toán.“Tỷ lệ bệnh nhân khám buổi sáng và buổi chiều hiện chỉ chênh nhau một chút, chứ không tập trung tất vào buổi sáng như trước kia” - TS Nguyễn Văn Thường cho biết.

Đặc biệt nhờ số hóa, các thủ tục hành chính trong khâu khám chữa bệnh được giảm bớt nên bác sĩ có nhiều thời gian hơn để khám, tư vấn cho người bệnh.

“Trước đây mỗi lần khám bệnh kê đơn mất từ 7-10 phút, nhưng khi ứng dụng công nghệ thông tin chỉ từ 1-2 click chuột bác sĩ có thể tạo ra được 1 phiếu khám bệnh cũng như 1 bộ chỉ định cận lâm sàng phù hợp, nhờ đó có thêm thời gian hỏi bệnh kỹ hơn, tư vấn chỉ định chuyên sâu hơn...” - theo BS CKI Phạm Thị Thảo – Phó trưởng khoa Khám bệnh.

Để có kết quả như ngày hôm nay, TS Nguyễn Văn Thường cho biết, ban đầu bệnh viện cũng trải qua không ít khó khăn, trong đó khó nhất là việc thay đổi, hình thành thói quen của cả các y bác sĩ, nhân viên y tế lẫn người bệnh.

“Khi mới áp dụng, không ít bệnh nhân vẫn giữ thói quen cũ, đến bệnh viện từ rất sớm, nhưng để tạo thói quen cho những lần khám sau chúng tôi vẫn để bệnh nhân ngồi chờ, cũng có người cảm thấy không hài lòng vì việc đó. Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng vậy. Ngày 16/7 chúng tôi có 188 bệnh nhân ra viện thì 182 bệnh nhân thanh toán không dùng tiền mặt (đạt 97%), nhưng lúc đầu mới triển khai cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân đều chưa quen nên cũng có phản ứng. Bây giờ thì khác, mọi người đều rất hào hứng” - TS Nguyễn Văn Thường thông tin.

Những thành công của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã đặt nền móng cho thành phố Hà Nội xây dựng nền y tế thông minh với ba trụ cột chính là phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; Khám, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Nghe bài viết tại đây: