Chị Lê Vân Anh sống tại quận Đống Đa, Hà Nội mang thai bé thứ hai được 3 tháng, cân nặng của chị đã tăng gần 10 cân từ khi có bầu. Vì khối lượng cơ thể tăng nhanh khiến chị cảm thấy khá mệt mỏi. Thêm nữa, thời gian gần đây, chị còn thấy chân của mình có cảm giác khó chịu, chính vì thế, chị lại càng hạn chế đi lại, vận động. “Chân cứ cảm thấy đau tức rất khó chịu, nó không đau dữ dội nhưng cứ âm ỉ, đau ngày càng tăng lên khi ngồi lâu hoặc đau nhiều khi chiều tối”- chị Vân Anh nói.

Đi khám thai định kỳ thì bác sĩ cho biết, thai nhi phát triển bình thường, duy chỉ có mẹ là có dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch chi dưới khi chân của chị Vân Anh bắt đầu xuất hiện đường gân xanh mờ. Vì mức độ của chị Vân Anh đã nhìn thấy và có triệu chứng nhẹ nên chị phải tới gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Do phát hiện kịp thời, bệnh đang nhẹ nên bác sĩ khuyên chị vận động nhẹ nhàng mà chưa cần phải can thiệp điều trị.

BS Nguyễn Thị Tuyết Mai- Phụ trách phòng khám sản Khoa khám bệnh – BV Tim Hà Nội cho biết không ít phụ nữ mang thai gặp phải tình cảnh tượng tự. “Phụ nữ mang thai thì thường bị suy giãn tĩnh mạch, giãn tùy mức độ, ít người là không bị giãn bởi vì một trong những cơ chế là do thai nhi chèn ép. Các mẹ bầu thường bị nhẹ, một số người nhìn thấy rõ hơn và một số ít là bị nặng hơn và có triệu chứng rõ rệt”- BS Mai khẳng định.

Có khá nhiều nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở phụ nữ mang thai. “Đầu tiên phải kể đến đó là tăng nội tiết tố của thai nghén Progesterone và estrogen gây ra giãn tĩnh mạch ứ đọng. Nguyên nhân thứ hai là khi có thai thì lượng máu trong cơ thể tăng lên có thể tới 30-40% gây tăng áp lực cho các tĩnh mạch và gây ra giãn tĩnh mạch. Nguyên nhân thứ 3 là do sự chèn ép của thai nhi. Có những thai phụ lần có thai trước đã từng bị giãn tĩnh mạch nên càng dễ giãn hơn trong lần mang thai sau. Hoặc cũng có thể mang đa thai thì nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch cũng tăng lên do cộng hưởng của các nguyên nhân trên. Và một số người phụ nữ có cơ địa thừa cân, béo phì, ít vận động thì cũng dễ bị suy giãn tĩnh mạch trong quá trình mang thai”- BS Mai giải thích.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường diễn ra từ từ, khi mới xuất hiện tình trạng suy giãn thì có thể không nhận ra. Sau khi tuổi thai càng lớn tình trạng suy giãn tĩnh mạch càng rõ hơn. Tĩnh mạch giãn mức độ 2, đó là khi tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo ở chi dưới, đùi, bắp chân, thậm chí, bộ phận sinh dục. Đến mức độ 3 là mức độ nặng, có những trường hợp giãn quá nhiều, gây những nốt đỏ, tĩnh mạch ngoằn ngoèo, cứng, đỏ và đau.

Khá nhiều mẹ bầu lo lắng tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Theo tư vấn của BS Nguyễn Thị Tuyết Mai, các thai phụ không nên quá lo lắng bởi suy giãn tĩnh mạch mức độ nhẹ không gây nguy hiểm tới sức khỏe.

“Suy giãn tĩnh mạch ở mức độ 1 và mức độ 2 khi nhìn thấy có vẻ đáng lo ngại nhưng thực ra không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của các mẹ. Các thai phụ vẫn đi lại bình thường và không bị đau chân thì sau khi hết thời kỳ mang thai, tĩnh mạch sẽ trở lại bình thường. Chỉ những trường hợp tĩnh mạch ngoằn ngoèo và gây cứng dưới da và nhất là xuất hiện vết hoại tử thì cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và có những biện pháp xử trí đặc thù”- BS Mai chia sẻ.

Tất y khoa dành cho suy giãn tĩnh mạch thường có chỉ định dùng khi bị suy giãn ở mức độ 2. Mức độ 1 không cần đeo tất. Với các mẹ bầu, nếu bị suy giãn gây cảm giác quá khó chịu thì mới phải dùng tất nhưng khi đeo phải cảm thấy thật thoải mái. Như vậy, đeo tất y khoa hay không phụ thuộc vào từng cá thể và mức độ suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

BS Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, nếu trước đây các thai phụ đã từng bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới trước khi mang thai hoặc trong lần mang thai trước đó thì nguy cơ bị lại sẽ rất cao và thường nặng hơn khi tuổi thai tăng lên.

“Giải pháp cần thực hiện đó là các mẹ bầu cần kiểm soát cân nặng, không nên để cân nặng tăng cao. Chúng ta không nên đứng và ngồi quá lâu ở một tư thế mà chúng ta nên vận động. Khi ngồi cần ngồi thoải mái để tĩnh mạch lưu thông, không nên ngồi vắt chéo chân. Khi nằm cần gác chân lên cao vì có nhiều lợi ích cho các mẹ bầu. Phải theo dõi quá trình giãn tĩnh mạch vì nó tiến triển từ từ. Cần tham khảo các bác sĩ trong những lần đi khám thai định kỳ. Chỉ khi nào bị đau thì lúc đó mới cần can thiệp y khoa”- BS Mai lưu ý.