Khi cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt hay sốt cao nhiều người có thói quen gọi người đến nhà truyền đạm hay truyền nước muối để giúp cơ thể nhanh khỏe mạnh. Chị Nguyễn Khánh Ly ở quận Cầu Giấy, Hà Nội là một trong số đó. Chị Ly kể: "Thấy người mệt quá nên cũng tìm hiểu qua bác sỹ online trên mạng xong cũng gọi người về truyền thì chỉ 15 phút là người ta mang đồ đến nhà mình làm...”
Theo lời chị Ly, dụng cụ truyền dịch của họ rất đơn giản, chỉ gồm: một chai đạm hoa quả, vài ống kim truyền và ít bông gạc. Móc áo của gia chủ sẽ được tận dụng để làm giá đỡ cho chai dịch truyền. Sau 1 tiếng đồng hồ, hoạt động truyền dịch kết thúc với giá khoảng 150-200 nghìn đồng. Tuy nhiên, sau khi truyền đạm xong, chị Ly không hề khỏe lên như mong đợi mà thậm chí còn mệt lả người.
"Có một số trục trặc xảy ra, có thể do bạn ý chưa có nhiều kinh nghiệm nên sau khi truyền nước mình thấy mệt hơn là lúc chưa truyền. Nên từ đó về sau mình cũng không bao giờ truyền nước tại nhà nữa…” - chị Ly chia sẻ.
Không may mắn như chị Ly, trường hợp của chị V.T.L. (34 tuổi, Hải Dương) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi truyền đạm hoa quả tại nhà. Tại Bệnh viện đa khoa Medlatec, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân L. bị sốc phản vệ mức độ nghiêm trọng sau truyền đạm hoa quả, gây biến chứng viêm cơ tim, suy tim.
Mặc dù các bác sỹ đã điều trị bệnh nhân ổn định về mặt lâm sàng, chức năng co bóp của tim trên siêu âm đã về bình thường. Tuy nhiên khi chụp MRI tim cho thấy những vết "sẹo" trong tim. Vẫn có những vùng cơ tim giảm vận động và tổn thương không hồi phục được.
Vì sao truyền đạm hoa quả có thể gây sốc phản vệ?
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Minh - Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, tại các cơ sở y tế, hoạt động truyền dịch chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sỹ và được theo dõi nghiêm ngặt. Bởi trong quá trình truyền dịch có thể xảy ra tình trạng sốc phản vệ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tại các cơ sở y tế đều được trang bị các túi chống sốc, khi xảy ra sự cố người bệnh sẽ được cấp cứu kịp thời, hạn chế biến chứng có thể xảy ra.
Trong khi đó, việc tự tiêm truyền tại nhà có thể dẫn đến nhiều nguy cơ từ mức độ nhẹ đến nặng. Trường hợp nhẹ, người bệnh bị sưng phù, đau tại vùng tiêm truyền do chệch ven hoặc chán ăn vì dung mao ruột thoái hóa. Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị viêm tĩnh mạch, bị phù tim, thận vì cơ thể buộc phải tiếp nhận lượng dinh dưỡng và lượng nước quá lớn. Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ, tử vong sau khi tự ý truyền đạm do không được cấp cứu kịp thời. Bởi thường những nhân viên tiêm truyền tại nhà không được trang bị túi chống sốc cũng như khả năng cấp cứu người bệnh khi xảy ra sốc phản vệ.
Khi nào cơ thể cần truyền dịch?
BS Nguyễn Quang Minh cho biết, truyền đạm là truyền các chất có lợi vào cơ thể để hỗ trợ điều trị bệnh hoặc phục hồi sức khỏe. Dịch truyền là các dung dịch hòa tan gồm nhiều chất khác nhau, có thể tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch của người bệnh. Phần lớn dung môi sử dụng trong dịch truyền là nước cất. Ngoài ra, người ta còn có thể sử dụng một số loại dung môi khác để hòa tan dược chất.
Trong cơ thể của mỗi người đều có các chỉ số trung bình trong máu, về các chất đạm, đường, muối, các chất điện giải... Nếu một trong các chỉ số trung bình trên còn thấp hơn mức độ chỉ số bình thường cho phép thì lúc đó chúng ta mới bù đắp. Để quyết định bệnh nhân có cần truyền dịch hay không, các bác sĩ thường dựa vào các kết quả của xét nghiệm để thấy được trường hợp nào cần thiết và trường hợp nào chưa cần thiết để truyền bổ sung và số lượng bổ sung là bao nhiêu.
Trong một số trường hợp đặc biệt, dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng các bác sĩ vẫn phải cho bệnh nhân truyền đạm. Điều này xảy ra khi người bệnh bị mất nước (do nôn quá nhiều, tiêu chảy), mất máu, bị ngộ độc, suy dinh dưỡng nặng hoặc các bệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật. Còn đối với những bệnh nhẹ thì tốt nhất không nên truyền dịch.
Nếu cơ thể bị mất nước nhưng vẫn ăn uống được thì truyền đạm không tốt bằng phương pháp bù nước qua đường uống.
Mời nghe bài viết tại đây: