Tiêm vaccine phòng COVID-19 có lợi thế nào?

Vaccine ngừa COVID-19 có hiệu quả trong việc bảo vệ mọi người không bị bệnh, hoặc nếu bị thì bệnh không nặng, tránh nhập viện, thậm chí là ngăn ngừa bị tử vong - đặc biệt là những người đã được tiêm mũi vaccine nhắc lại, tăng cường. Cùng với các lợi ích đó là giảm chi phí cho gia đình, xã hội và giảm được công sức và chi phí chăm sóc người bệnh nếu không may mắc COVID-19.

Tiêm vaccine COVID-19 giúp bảo vệ cho người được tiêm bằng cách tạo ra phản ứng miễn dịch sinh kháng thể chống lại SARS-CoV-2 mà không phải trải qua tình trạng bị bệnh, hoặc có thể bao gồm cả tình trạng bệnh nặng hoặc tình trạng hậu COVID. Tuy vậy, khả năng bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 giảm dần theo thời gian (tức là kháng thể sinh ra sau khi tiêm vaccine sẽ giảm dần sau khi tiêm), nên các nhà chuyên môn khuyến nghị tất cả mọi người trong nhóm được chỉ định đều phải tiêm vaccine đầy đủ, đúng kỳ hạn để bảo đảm có kháng thể cần thiết chống lại virus.

Với các biến thể phụ hiện nay của Omicron, chúng lây lan nhanh, đặc biệt biến chủng BA.5 đã xuất hiện ở Việt Nam chúng ta vẫn có khả năng đáp ứng phòng bệnh từ vaccine. Nếu không may mắc bệnh, thì bệnh không nặng. Mặc dù tốc độ lây lan của virus rất nhanh, nếu chúng ta liên tục tiêm vaccine theo chỉ định thì vẫn đáp ứng được khả năng phòng bệnh nặng, hạn chế tử vong.

Tại sao phải tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4)?

Tại nước ta, theo các chuyên gia y tế, đến nay, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản. Như vậy, sau 4 - 6 tháng, khả năng miễn dịch đối với những người này đối với COVID-19 đã giảm. Chính vì thế, để dự phòng dịch bệnh, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại (tức mũi 3, mũi 4) là việc làm cần thiết hiện nay.

Theo PGS-TS- BS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa khôn lường và gây ra các đợt bùng phát dịch tại một số quốc gia trên thế giới, điều này gây lo ngại cho các đối tượng yếu thế như người cao tuổi hay trẻ nhỏ. “ Tại nước ta tỷ lệ mắc của trẻ em thời gian vừa qua tương đương tỷ lệ mắc trên thế giới, tình trạng bệnh cũng như người lớn có những trường hợp bệnh nặng, tử vong. Thêm nữa, trẻ em lại là đối tượng yếu thế, vì vẫn còn rất nhiều trẻ chưa tiêm vaccine, khi có dịch, trẻ dễ bị nhiễm và khi nhiễm bệnh sẽ lây sang người già và các thành viên trong gia đình”- PGS Trần Minh Điển cho biết.

Thực tế qua các nghiên cứu đã thực hiện, sau tiêm vaccine cũng như sau khi đã mắc bệnh khả năng miễn dịch của chúng ta sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 - 6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập như là BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác. Minh chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi từ chủng gốc cho đến chủng Anpha, Beta, Delta và Omicron thì đến nay vaccine vẫn rất hiệu quả.

Vì thế, theo phân tích của GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, với các biến thể phụ của Omicron, việc phòng bệnh từ vaccine vẫn được coi là yếu tố then chốt trong giai đoạn hiện nay. “Khi BA.4, BA.5 lây lan nhanh, thậm chí lách miễn dịch thì việc nhiễm bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra, thực tế đã chứng minh, trên người suy giảm miễn dịch thì việc nhiễm bệnh còn dễ hơn, do đó đối tượng này cần tiêm đủ liều. Tiêm cho những người ở tuyến đầu khi biến thể mới xâm nhập sẽ giảm lây nhiễm cho người khác, tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, cuộc sống được bình yên hơn”- GS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Vaccine phòng COVID-19 đảm bảo tính an toàn khi tiêm mũi 3, mũi 4

Không ít người dân có tâm lý chủ quan cho rằng dịch COVID-19 đã được khống chế nên vẫn chưa quyết định đi tiêm vaccine, thậm chí có ý kiến cho rằng, vaccine có thể sắp hết hạn… Về các vấn đề liên quan đến vaccine, GS-TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khẳng định, việc tiêm vaccine hiện được đánh giá rất an toàn. Ngoài ra, tính ổn định và an toàn của vaccine đã được thế giới nghiên cứu và đánh giá kỹ, quá trình hướng dẫn, bảo quản, vận chuyển, tiêm chủng được giám sát cẩn thận tại nước ta, chính người dân cũng được tham gia vào quá trình này nên người dân có thể yên tâm đi tiêm hoặc đưa con em đi tiêm.

Thời gian vừa qua, BV Nhi TƯ ghi nhận có khá nhiều trẻ em điều trị hậu COVID-19, việc mắc bệnh khiến sức khỏe của trẻ ảnh hưởng. Thế nhưng, rất nhiều bậc phụ huynh băn khoăn, việc tiêm vaccine có an toàn không và sau khi tiêm, vaccine mang lại lợi ích như thế nào đối với sức khỏe của trẻ nhỏ? PGS Trần Minh Điển nhấn mạnh, nếu so với những nguy cơ có thể ảnh hưởng từ việc nhiễm bệnh thì việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ là giải pháp an toàn hơn cả.

“Bộ Y tế đang khuyến cáo trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 3, đây là mũi tiêm cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng. Có nhiều phụ huynh thắc mắc con tôi bị rồi có tiêm không? Chúng ta phải hiểu biến thể trong giai đoạn này khác trước, trẻ có thể mắc trở lại nếu không tiêm. Vaccine vẫn sẽ là an toàn, chúng ta qua đỉnh dịch từ hồi tháng 3-4, đến nay miễn dịch tự nhiên đang giảm, biến thể mới xuất hiện, trẻ dễ nhiễm virus. Nhóm có bệnh nền, rồi nhóm chưa tiêm vaccine, cần bảo vệ nhóm này, hiện BV Nhi TƯ tiếp nhận 5-7 trường hợp mắc, nguy cơ hậu Covid còn tồn tại, các bậc phụ huynh cần lưu ý”- BS Trần Minh Điển nói.

Trong phiên họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định, thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tiến độ tiêm vacine tại các địa phương trên cả nước.

Đối tượng nào cần được tiêm vaccine mũi 3, mũi 4?

Việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) và mũi tăng cường (mũi 4) đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm tại các khu công nghiệp.

Với những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10 - 19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc (mũi 3) và mũi tăng cường (mũi 4) thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm SARS-COV-2. Bởi sau tiêm mũi 3 và mũi 4 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể trong máu, qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển nặng và ca tử vong.