Th.s BS Nguyễn Hoàng Nguyên, quản lý chuyên môn của Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing khuyến cáo về các loài sinh vật biển chúng ta cần lưu ý và cách xử lý khi bị chúng tấn công.

Những sinh vật biển có thể gây hại cho chúng ta khi du lịch biển

Sứa: Sứa có nhiều xúc tu có hàng triệu tế bào chứa nọc độc. Nếu tiếp xúc với sứa, nhẹ có thể bị ngứa, rát; nguy hiểm hơn có thể bị tổn thương tế bào, bị lở loét, nhiễm trùng hay nguy hiểm hơn là bị sốc phản vệ, dẫn đến ngừng thở và tử vong.

Rắn biển: Rắn biển thường hay sinh sống ở các rạn san hô xung quanh các đảo. Những người bị rắn cắn có thể dẫn đến những nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.

Hàu hay các loại sò: Nhiều loại động vật vỏ cứng như hàu hay sò có thể bám vào những tảng đá và chính chúng có thể gây ra trơn trượt khiến cho chúng ta ngã hoặc vỏ cứng cứa vào chân tay gây chảy máu.

Và một số loài khác như cầu gai cũng có thể gây nguy cơ chảy máu đối với những người du lịch biển.

Cách xử lý khi bị sứa cắn

- Đưa ngay nạn nhân ra khỏi khu vực có nhiều sứa.

- Nếu trên vị trí của nạn nhân vẫn còn những xúc tu của các loài sứa biển thì chúng ta sẽ sử dụng túi ni lông hoặc khăn sạch loại bỏ một cách nhẹ nhàng, tránh chạm tay trực tiếp lên xúc tu, có thể dẫn đến tình trạng ngứa, rát.

- Rửa chỗ bị thương bằng nước sạch hoặc có thể rửa với giấm (nếu có) để hạn chế tổn thương.

- Ngâm vết thương trong nước ấm khoảng từ 40-45 độ C trong khoảng ít nhất 20 phút. Nếu nước nguội phải thay nước để luôn đảm bảo nhiệt độ.

- Nếu sau khi đã xử lý vẫn còn cảm thấy đau rát, khó chịu, chúng ta có thể sử dụng một số loại kem bôi chứa corticoid hoặc là chứa các loại thuốc kháng histamin để làm dịu nhẹ phản ứng; hoặc sử dụng thuốc uống nhưng phải có sự chỉ định của các bác sĩ.

- Theo dõi nạn nhân, nếu xuất hiện những phản ứng như là mẩn đỏ, buồn nôn, nôn hay đau tức ngực, khó thở cần đưa đến các trung tâm y tế.

Cách xử lý khi bị rắn biển tấn công

- Trấn an nạn nhân, tránh để tình trạng bị hoảng loạn.

- Tiến hành băng bó: Nếu chỉ bị cắn một vết nhỏ ở tay vẫn phải băng ít nhất từ cổ tay cho đến tận nách để hạn chế nọc độc di chuyển trong cơ thể.

- Cố định phần bị cắn (tay hoặc chân) vào với cơ thể, hạn chế sự di chuyển của nạn nhân để tránh việc nọc độc đi khắp cơ thể. Sau đó gọi hỗ trợ hoặc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế. Không nên đi bằng xe máy vì khi ngồi nạn nhân vẫn có thể có những động tác dẫn đến nọc độc có thể di chuyển trong cơ thể.

- Theo dõi nạn nhân trong khi chờ đợi sự có mặt của nhân viên y tế. Theo dõi cái dấu hiệu sống của nạn nhân bao gồm sự tỉnh táo, nhịp thở và mạch. Nếu như nạn nhân không có cả 3 dấu hiệu này thì ngay lập tức phải hồi sức tim phổi cho nạn nhân.

"Các sinh vật biển, các động vật biển thông thường hay có dấu hiệu cảnh báo có độc. Ví dụ những loài ốc sặc sỡ thường là 1 hình thức cảnh báo tự nhiên, "chúng tôi là những loài độc đây anh đừng có đụng vào".

TS Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học