Lạm dụng thực phẩm chức năng và hệ lụy
Đặc biệt, người lớn tuổi - vốn có tâm lý lo lắng về sức khỏe - trở thành đối tượng chính của những chiến dịch quảng cáo thực phẩm chức năng tràn lan trên mạng xã hội.
Bà Đào Thu Hồng, 68 tuổi ở Hà Nội, không giấu được sự bối rối khi nhìn vào số lượng lớn thực phẩm chức năng mà mình đã mua. Bà thành thật chia sẻ:
"Ai quảng cáo tôi cũng mua, nơi nào quảng cáo tôi cũng đều mua hết. Tuổi già nhiều bệnh nên cứ muốn là nó khỏi ngay. Nghe quảng cáo thấy thích lại mua, uống không được lại thay thuốc khác."
Không riêng bà Hồng, ông Nguyễn Văn Cúc cũng đã chi số tiền lớn để mua các sản phẩm phòng và chữa bệnh được quảng cáo rầm rộ trên mạng:
"Quảng cáo nó hay lắm, chẳng biết đường nào mà lần. Họ hứa hai, ba tháng không khỏi thì hoàn lại tiền, nhưng ai đã đòi được tiền bao giờ đâu!"
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không bắt buộc phải trải qua thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người. Do đó, những cam kết chắc chắn về hiệu quả của sản phẩm thường không có cơ sở khoa học. Một vấn đề đáng lo ngại khác là sự nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng và thuốc điều trị. Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, cảnh báo:
"Chúng ta phải xem các loại thuốc mà bác sĩ hướng dẫn là quan trọng nhất để kiểm soát các chỉ số như huyết áp, mỡ máu, đường máu. Thực phẩm chức năng chỉ là bổ sung, tuyệt đối không thay thế thuốc kê đơn của bác sĩ."

Tăng cường hậu kiểm – Giải pháp ngăn chặn thực phẩm chức năng kém chất lượng
Chỉ trong năm 2024, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã xử phạt hơn 11 tỷ đồng đối với các đơn vị quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Tuy nhiên, mức phạt này có thực sự đủ sức răn đe? Hay các doanh nghiệp vẫn tiếp tục quảng cáo tràn lan, bất chấp sai phạm?
Trước thực trạng này, mới đây Bộ Y tế đã đề xuất siết chặt hậu kiểm đối với thực phẩm chức năng. Việc tăng cường hậu kiểm thay vì chỉ tập trung vào tiền kiểm sẽ mang lại hiệu quả ra sao? TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết:
"Chủ trương của Chính phủ là trao thêm quyền cho doanh nghiệp, tức là thay vì tiền kiểm, doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm công bố sản phẩm của mình. Tuy nhiên, khi họ được trao quyền thì cơ quan nhà nước phải tăng cường hậu kiểm để kiểm tra xem công bố của họ có phù hợp với quy định không."
Với số lượng sản phẩm công bố ngày càng tăng, việc hậu kiểm phải được thực hiện một cách hiệu quả. Theo ông Long, giải pháp là tập trung vào nhóm sản phẩm có nguy cơ cao:
"Chúng tôi chỉ đạo các địa phương rà soát trước khi thanh tra, ưu tiên kiểm tra những nhóm sản phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe. Với những địa phương có số lượng công bố ít, có thể hậu kiểm toàn bộ, còn các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thì cần lọc ra sản phẩm có nguy cơ để kiểm tra trước."
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang xem xét sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP về An toàn thực phẩm, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ khâu công bố. Các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị đưa vào "danh sách đen", tăng cường quản lý và hậu kiểm nghiêm ngặt hơn.
Hậu kiểm chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng
Theo các chuyên gia, việc siết chặt hậu kiểm không chỉ giúp loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng ra khỏi thị trường mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp. Khi mức xử phạt đủ răn đe, doanh nghiệp sẽ không còn dám công bố những công dụng sai lệch về sản phẩm của mình.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan như Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công thương để rà soát lại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đảm bảo mức phạt đủ sức ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật.
"Chúng tôi cần một cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Không chỉ kiểm tra trên giấy tờ mà cần có biện pháp hậu kiểm thực tế đối với sản phẩm lưu hành trên thị trường. Đây là bước đi quan trọng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" – TS Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh.
Người tiêu dùng cần làm gì?
Trong khi chờ đợi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn từ cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức của mình. Một số lưu ý quan trọng:
Không tin tưởng hoàn toàn vào quảng cáo trên mạng xã hội. Cần kiểm chứng thông tin từ các nguồn chính thống.
Không tự ý thay thế thuốc điều trị bằng thực phẩm chức năng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào.
Tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi mua, đồng thời kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, giấy phép lưu hành và đánh giá của các chuyên gia y tế.