Hội thảo có sự tham gia của đại biểu đến từ các Bộ, Ban, Ngành, các tổ chức quốc tế và một số tỉnh, thành phố.

Tại hội thảo, Lãnh đạo Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, hiện nay nước ta đã cơ bản đạt được các mục tiêu về giảm tình trạng thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em, tuy nhiên chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là sự chênh lệch về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi giữa các vùng miền còn cao. Tình trạng thừa cân, béo phì – đặc biệt là ở trẻ em tuổi học đường và người dân ở khu vực thành thị tiếp tục tăng nhanh. Tỷ lệ phụ nữ có thai, trẻ dưới 5 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn cao..v.v..

Để giải quyết các vấn đề dinh dưỡng và tiếp tục phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản về sức khỏe của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Mục tiêu của chiến lược là bảo đảm dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng miền, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí lực của người dân Việt Nam.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra đề xuất cần xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách dinh dưỡng. Cụ thể, cần đưa dinh dưỡng vào luật phòng bệnh và được chi trả BHYT, xây dựng tiêu chuẩn chức danh dinh dưỡng tại cộng đồng và nâng cao năng lực, đào tạo tập huán, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dinh dưỡng. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp để kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì ở nhóm trẻ từ 5 – 19 tuổi và người trưởng thành. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về dinh dưỡng, thực phẩm phù hợp cho người Việt Nam và tăng cường phối hợp liên ngành cho hoạt động dinh dưỡng từ TW đến tỉnh, huyện, xã. Tăng cường hợp tác quốc tế về dinh dưỡng để giải quyết các vấn đề về dinh dưỡng mang tính toàn cầu và khu vực.