Điều 105 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, về nội dung đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề nêu rõ: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức, tạo điều kiện cho người hành nghề tham gia đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa liên tục, bồi dưỡng về chuyên môn kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp.

Nhà nước có chính sách về cấp học bổng như sau:

- Cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước;

- Cấp học bổng chính sách cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhà nước hỗ trợ đối với người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu như sau:

- Hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước;

- Hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định tại điểm a khoản này nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân.

Điểm 4 của Điều 105 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi cũng ghi rõ, nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định, nhà nước miễn học phí đối với người học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần.

Như vậy, so với Luật cũ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã tăng thêm 3 chuyên ngành được nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí là: tâm thần, hồi sức cấp cứu và truyền nhiễm.

- Cả nước hiện có 605 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, trong khi chỉ số trung bình toàn cầu là 1,7, còn các nước thu nhập cao là 8,6.

- Hiện tổng số bác sĩ có chứng chỉ hành nghề hồi sức cấp cứu trên cả nước là khoảng khoảng 700 người. Nhiều cơ sở y tế tuyến huyện thậm chí bệnh viện tuyến tỉnh “trắng” bác sĩ lĩnh vực này.

- Hiện tại, mỗi năm ở nước ta đào tạo được khoảng 25 bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm sau đại học. Hiện nước ta đang thiếu khoảng 4.000 bác sĩ truyền nhiễm.