Không khó để tìm kiếm những thông tin về các cửa hàng bán thịt bò “Kobe” trên mạng xã hội.
Tiếp cận một cửa hàng online với cái tên là “thế giới bò sạch”, người bán hàng không ngần ngại quảng cáo đây là loại thịt bò đang bán chạy nhất với đặc trưng là tỷ lệ vân mỡ cao, miếng bò mềm.
Người này cũng không quên mời gọi là có giá cực tốt cho khách xỉ hoặc khách mua với số lượng lớn.
Vào vai một người mua hàng, PV VOV2 đã gọi điện cho một cửa hàng được cho là nhà phân phối thịt bò các loại từ tổng kho đến thẳng tay người tiêu dùng.
Nhân viên ở đây cho biết, có loại bò “Au Kobe” được cắt khoanh tròn, giá cũng mềm như chính loại thịt bò này vậy, chỉ khoảng 340.000-345.000 đồng/kg. Hiện nhiều người tiêu dùng rất ưa chuộng loại bò này vì giá cả phải chăng, ăn ngon.
Nhưng khi phóng viên VOV2 bày tỏ băn khoăn về nguồn gốc chất lượng, tem nhãn mác chính quy thì người bán hàng này chỉ có thể cam kết chung chung về đạo đức người bán hàng, cam kết bảo đảm.
Chị Nguyễn Hà Minh (Minh Khai, Hà Nội) cho biết: so với thịt bò trong nước thì không rẻ nhưng nếu là thịt bò nhập khẩu thì đây là cái giá rất hấp dẫn. Mặc dù bản thân chị cũng tự băn khoăn loại thịt được cho là bò Kobe rốt cuộc là bò gì.
Theo thông tin, chỉ có 10% thịt bò Kobe được xuất khẩu ra nước ngoài. Vì thế ở Việt Nam cái gọi là thịt bò Kobe giá 3-4 trăm nghìn/cân chắc chắn không phải là bò Kobe.
Anh Triệu Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội đầu bếp Hoàng Gia Việt Nam, một người có nhiều kinh nghiệm trong việc chế biến các món ăn Âu Á, cũng khẳng định điều này.
Bởi theo anh, hiện chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào ký được hiệp ước nhập khẩu thịt bò Kobe với Nhật Bản. Ngoài ra, số lượng bò Kobe ngay tại Nhật cũng rất ít, được đánh số, được nuôi theo quy chuẩn gắt gao nên gần như không có khả năng đến được với người tiêu dùng Việt Nam.
Vì thế, anh Triệu Quốc Đạt cho rằng: những loại thịt mang nhãn hiệu thịt bò “Kobe” giá chỉ có vài trăm nghìn đồng chắc chắn đều là giả.
“Thực chất có thể là họ nhập các loại thịt bò đông lạnh giá rẻ ở nước ngoài về rồi đóng gói, dán tem nhãn thành bò Kobe hoặc là thịt bò nhập lậu không có giấy tờ nên giá bán ra rẻ”- anh Đạt nhận định.
Việc làm giả hiện nay theo anh Đạt là không khó, bởi đã có công nghệ tự tạo được vân mỡ bằng cách tiêm chất béo vào trong thịt, sau đó để ở nhiệt độ lạnh âm sâu 45 độ để tạo liên kết. Và từ đây, có thể tạo ra những miếng thịt bò có hình dạng bên ngoài giống như bò Kobe.
“Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần tìm đến những sản phẩm thịt bò có nhãn mác, tên công ty, có in nơi sản xuất, giấy chứng nhận ATTP và nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc”, anh Triệu Quốc Đạt khuyến cáo.
Xin mời nghe bài viết tại đây: