Dính lưỡi (còn gọi là ngắn phanh lưỡi) là dị tật bẩm sinh nhẹ, trong đó phanh lưỡi (lớp màng mỏng nằm dưới lưỡi) bị ngắn, dầy và căng. Khoảng 5% số trẻ em gặp phải dị tật dính lưỡi, xuất hiện nhiều hơn ở các bé trai. Đa phần phụ huynh cảm thấy mơ hồ khi nghe nhắc đến dính thắng lưỡi. Theo BS Đỗ Hoàng Việt- Khoa Ngoại- Chuyên Khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, dính lưỡi là nguyên nhân làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi và ảnh hưởng đến sự phát âm của trẻ.

“Khi trẻ bị dính lưỡi, trẻ sẽ khó vận động khi bú hay nuốt. Dính lưỡi còn gây nghiêng răng cửa, tụt lợi, phát âm khó, nói ngọng một số âm tiết như: t,d,l, s,z,ch,th đặc biệt là r’’ – BS Đỗ Hoàng Việt chia sẻ.

Dính lưỡi hiện được chia thành 4 mức độ dựa trên chiều dài phần lưỡi tự do. Mức độ 1 là mức độ nhẹ nhất gần như bình thường, phần lưỡi tự do có chiều dài 12-16mm. Độ 2 từ 8-11 mm. Độ 3: từ 3-7 mm và độ 4 là nặng nhất, chiều dài phần lưỡi tự do chỉ dưới 3mm. Như trường hợp bé Minh Nhật sống tại Quảng Ninh, gia đình không phát hiện được những bất thường của lưỡi cho đến khi bé 16 tháng tuổi.

“Hồi bé cho bú cứ thấy má bé hõm vào, bú ít, nghĩ bình thường, gia đình không biết, cho đến bây giờ bé 16 tháng tuổi cứ ú ớ không nói được, lúc nào bé cũng khó chịu và đưa tay vào mồm móc lưỡi. Cho đi khám thì bác sĩ bảo bé bị dính lưỡi độ 4, phải phẫu thuật. Sau phẫu thuật thấy bé dễ chịu luôn, ăn uống bình thường, không còn móc tay vào miệng. Bây giờ gia đình đang tích cực để tập vận động lưỡi cho bé, hy vọng việc nói của bé sẽ cải thiện tốt hơn”- mẹ bé Minh Nhật cho biết.

BS Đỗ Hoàng Việt- Khoa Ngoại-Chuyên Khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh nhấn mạnh, dính lưỡi được chỉ định phẫu thuật khi ảnh hưởng đến chức năng bú mút hay phát âm. Có nhiều phương pháp phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp như cắt đơn thuần hay phẫu thuật tạo hình phanh lưỡi.

“Cắt dính thắng lưỡi là thủ thuật khá đơn giản với độ 1-2, không tốn nhiều thời gian, và trẻ có thể được chăm sóc ngay tại nhà. Còn với những mức độ nặng hơn (mức độ 3-4), Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đang triển khai rất hiệu quả phẫu thuật tạo hình phanh lưỡi bằng kỹ thuật Z-plasty trong điều trị dính lưỡi. Ưu điểm là giải phóng lưỡi tốt nhất có thể, hạn chế sẹo co kéo sau mổ, tránh tái phát, lành thương nhanh, ít đau” – BS Hoàng Việt nói.

Thông thường trẻ trên 3 tháng tuổi đủ điều kiện sức khoẻ là có thể thực hiện cắt dính thắng lưỡi thể nhẹ. Còn với mức độ dính lưỡi nặng hơn, các bé từ 6 tháng tuổi đã có thể thực hiện phẫu thuật tạo hình phanh lưỡi bằng kỹ thuật Z- plasty.

Để biết chính xác tình trạng và thời gian cắt dính thắng lưỡi, cha mẹ nên cho con đi khám bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt. Trẻ càng nhỏ thì quá trình cắt dính thắng lưỡi càng đơn giản, nhanh chóng, giảm thiểu đau đớn cũng như hạn chế ảnh hưởng tâm lý cho trẻ.

Theo BS Đỗ Hoàng Việt, cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết các dấu hiệu dính thắng lưỡi khi quan sát con mình ăn uống, sinh hoạt.

“Đầu lưỡi trẻ không thè ra ngoài môi được, đầu lưỡi không thể chạm tới nóc vòm họng. Khi khóc, đầu lưỡi trẻ hình trái tim. Khi thè lưỡi thấy phẳng hoặc vuông (thông thường đầu lưỡi sẽ nhọn). Các răng cửa hàm dưới có thể bị nghiêng hoặc giữa hai răng cửa hàm dưới bị hở. Trẻ nhỏ có biểu hiện hay cáu gắt khi bú, lớn hơn kèm phát âm khó” – BS Hoàng Việt tư vấn.