Mỗi hành trình tìm con là một câu chuyện riêng – có nước mắt, có hy vọng, và đôi khi là những điều tưởng chừng không thể.
Chị Nguyễn Thị Kim Phấn, 47 tuổi, là một trong những minh chứng cho sự kiên trì và tiến bộ của y học hiện đại. Sau 17 năm nuôi khát khao có con, cuối cùng chị đã được nghe tiếng khóc đầu đời của con gái nhỏ.
"Rất chi là sung sướng. Sinh vào mùa nóng nên huyết áp hơi cao, bác sĩ phải tách con ra 10 ngày. Rất hồi hộp ngày được nhìn mặt con" – chị Phấn chia sẻ.
Theo thống kê, nước ta hiện có gần 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn, tương đương với 8% dân số trong độ tuổi sinh sản, trong đó có đến một nửa là dưới 30 tuổi. Tức là, khi tuổi đời còn rất trẻ, nhiều cặp đôi đã phải đối mặt với những chông chênh không dễ gọi tên.
"Hai vợ chồng đi khám thì xác định nguyên nhân chậm con là cả hai. Chồng em có vấn đề về tinh trùng, bác sĩ nói cần điều trị" – một người vợ trẻ chia sẻ.
Tìm con là một hành trình không ai giống ai – người thì một năm, người khác mất hơn mười năm. Nhưng điểm chung là: không từ bỏ. Như lời một người mẹ từng trải:
"Trước đây em đi khám ở quê, không có kết quả. Sau quyết định ra Hà Nội, thấy nhiều người đi cấy thì thành công, nên em cũng thử".
Tuy nhiên, bên cạnh những bước đi bằng y học, không ít người lại chọn tin vào các quan niệm truyền miệng – trong đó có khái niệm “tử cung lạnh”, thường được chia sẻ trên các diễn đàn về hiếm muộn.
Tử cung lạnh – khoa học hay quan niệm dân gian?
“Tử cung lạnh” không phải là một thuật ngữ trong y học hiện đại. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc hoàn toàn vô căn cứ.
BS Ngô Thu Hà, Khoa Sản phụ hiếm muộn, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ cho biết: “Dưới góc độ của y học hiện đại, không tồn tại chẩn đoán nào là tử cung lạnh. Tuy nhiên, một số vấn đề như lưu lượng máu đến tử cung kém, nội mạc tử cung mỏng, chất lượng nội mạc kém… lại có phần tương đồng với cách Đông y mô tả về ‘tử cung lạnh”.
Những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng “làm tổ” của phôi thai?
Khả năng thụ thai và duy trì thai kỳ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó lưu lượng máu đến tử cung đóng vai trò then chốt. Máu lưu thông tốt giúp lớp nội mạc phát triển đủ dày để phôi có thể làm tổ và phát triển.
Theo BS Ngô Thu Hà, những nguyên nhân khiến lưu lượng máu kém gồm: Rối loạn tuần hoàn, huyết áp thấp; stress kéo dài dẫn đến co mạch vùng chậu; rối loạn nội tiết tố (estrogen, progesterone); các bệnh lý như buồng trứng đa nang, suy hoàng thể.
Trong một số trường hợp, chất lượng nội mạc kém có thể khiến trứng đã thụ tinh không thể làm tổ, hoặc nếu làm tổ thì cũng dễ sảy thai.
Tử cung lạnh theo quan niệm dân gian khác gì y học?
Trong khi dân gian cho rằng tử cung lạnh là do “ăn đồ hàn”, “khí huyết kém lưu thông”, y học hiện đại lại đi tìm nguyên nhân cụ thể và có bằng chứng khoa học hơn.
“Tử cung lạnh theo Đông y thường mô tả qua các triệu chứng như tay chân lạnh, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, dễ sảy thai… Trong khi y học hiện đại sẽ chẩn đoán dựa trên lưu lượng máu, độ dày nội mạc, chỉ số hormone và bệnh lý nền” – BS Hà phân tích.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân thực thể như polyp tử cung, dính buồng tử cung, tử cung nhi hóa – những nguyên nhân này không thể lý giải bằng khái niệm “tử cung lạnh” dân gian.
Vậy có nên “làm ấm tử cung” theo mẹo dân gian?
Nhiều phụ nữ được khuyên uống nước gừng, chườm nóng, ngâm chân, ăn thực phẩm tính nóng… với mong muốn “làm ấm tử cung” và tăng cơ hội thụ thai.
BS Hà cho rằng, đây là các biện pháp truyền miệng, tuy chưa được kiểm chứng bằng nghiên cứu khoa học nhưng không hoàn toàn vô ích:
“Ngâm chân, massage, chườm nóng giúp tăng tuần hoàn máu vùng chậu, giảm stress – từ đó gián tiếp cải thiện niêm mạc tử cung. Tuy nhiên, không thể coi đây là biện pháp điều trị hiếm muộn”.

Thay vì quá lo lắng về khái niệm “tử cung lạnh” – vốn chưa có cơ sở khoa học rõ ràng – phụ nữ đang mong con nên chủ động xây dựng lối sống lành mạnh để hỗ trợ khả năng sinh sản. Trong đó, 4 yếu tố quan trọng cần đặc biệt chú ý:
Tập thể dục không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn tăng cường lưu lượng máu đến tử cung – yếu tố quan trọng để lớp nội mạc tử cung phát triển dày và đủ chất lượng cho phôi làm tổ. Những bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hoặc yoga đặc biệt hữu ích vì vừa hỗ trợ tuần hoàn vùng chậu, vừa giúp giảm căng thẳng.
Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ góp phần cải thiện chất lượng nội mạc tử cung và điều hòa nội tiết tố. Các chuyên gia khuyến nghị nên bổ sung thực phẩm giàu omega-3 (có trong cá hồi, hạt chia, quả óc chó…) vì axit béo này giúp kháng viêm, hỗ trợ tuần hoàn. Đồng thời, nên tăng cường thực phẩm có chứa nitric oxide – như củ dền, rau chân vịt, cải xoăn để cải thiện độ đàn hồi và dòng máu đến các cơ quan vùng chậu, bao gồm cả tử cung.
Căng thẳng kéo dài làm tăng hormone cortisol – một chất có thể ảnh hưởng đến cân bằng nội tiết tố nữ và làm co mạch máu, từ đó làm giảm lượng máu đến tử cung. Vì vậy, phụ nữ đang mong có con cần ưu tiên nghỉ ngơi đúng giờ, ngủ đủ giấc từ 7–8 tiếng mỗi đêm, tránh thức khuya, đồng thời có thể áp dụng các kỹ thuật thư giãn như thiền, hít thở sâu hoặc massage nhẹ nhàng.
Rượu, bia và cà phê đều là những chất có thể gây co mạch máu – tức là khiến các mạch máu bị thu hẹp lại, làm giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng tử cung. Dù có thể chưa phải kiêng tuyệt đối, nhưng việc hạn chế sử dụng các chất kích thích này là rất cần thiết, đặc biệt trong thời điểm chuẩn bị mang thai hoặc đang điều trị hiếm muộn.
Một tử cung “khỏe” không cần phải “ấm” theo nghĩa đen, mà là nơi có tuần hoàn máu tốt, nội tiết tố ổn định và được chăm sóc đúng cách. Thay vì loay hoay với các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng, chị em hãy bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ nhưng có căn cứ khoa học – để hành trình tìm con được vững vàng và chủ động hơn.