Trước tình trạng béo phì gia tăng và thức ăn nhanh được cho là kẻ "tội đồ" lớn nhất, thì nhiều nhà sản xuất đã giảm trọng lượng, kích cỡ của sản phẩm. Điều này rõ nét nhất là chiếc bánh hamburger hiện nay chỉ còn khoảng 350kcal. Trong khi đó, một bát bánh đa cua, bún ốc, hay mì vằn thắn là từ trên 500-600kcal. Hay lượng muối trung bình trong thực phẩm ăn nhanh đã giảm đi trong thực phẩm đóng gói khoảng từ 10-15%, đặc biệt có những sản phẩm giảm đến 30%.

Đặc biệt, transfat một loại chất béo được cho là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cũng được kiểm soát trong thực phẩm ăn nhanh thông qua công nghệ kiểm soát dầu chiên.

Một số thực phẩm ăn nhanh còn được bổ sung khoáng chất, vitamin như Sắt, Canxi để làm “giàu” dinh dưỡng.

Vấn đề là chúng ta ăn như thế nào?

Chẳng hạn, mỳ ăn liền sẽ là một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng nếu thêm vào đó rau xanh, trứng - thịt. PGS.TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng: trước nay mỳ ăn liền bị cho là thủ phạm của chứng khó tiêu nhưng điều này không chính xác. "Mì ăn liền làm từ bột lúa mì, thời gian tiêu hoá trong dạ dày khoảng 3-4 giờ, tương tự mọi loại thức ăn làm từ tinh bột khác như cơm, bún, phở,... Chứng khó tiêu mà các bạn hay nhắc, có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như ăn đơn điệu quá nhiều một món, không ăn rau hoặc các thực phẩm có lợi cho tiêu hóa, các bữa trong ngày không đủ các nhóm chất cần thiết hoặc cơ thể thiếu vận động thể dục,... chứ không phải do mì ăn liền" - PGS.TS Trương Hồng Sơn giải thích.

Ngoài ra, sự lựa chọn của một người tiêu dùng thông thái cũng rất quan trọng. Hãy đọc kỹ những chỉ số có trên bao bì sản phẩm để loại trừ chất béo, hàm lượng muối và các thành phần gây hại cho sức khỏe khác.