Để "chia lửa" cho tình trạng quá tải tại các bệnh viện do thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thì việc xã hội hoá, liên doanh liên kết, đặt máy và mượn máy là một giải pháp. Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hiện 59 tỉnh, thành đã thực hiện lắp đặt hơn 3.400 máy y tế “xã hội hóa”. Nhưng gần đây, Bộ Tài chính liên tiếp có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khám chữa bệnh không mượn máy hoặc cho phép máy đặt trong viện. Không phải ngẫu nhiên mà đơn vị quản lý tài chính đưa ra yêu cầu này. Tuy nhiên động thái này khiến người bệnh, các cơ sở y tế và cả nhân viên y tế “tiến thoái lưỡng nan”.

Phóng viên VOV2 phỏng vấn bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh về những kiến nghị, đề xuất cho việc đặt, mượn máy tại hệ thống bệnh viện công lập:

Phóng viên: Thưa bà, sau một thời gian dài thực hiện, theo bà, mặt tích cực của mô hình xã hội hóa và liên doanh liên kết đặt máy, gửi máy tại các bệnh viện công được thể hiện như thế nào?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tôi nghĩ ai cũng thấy được lợi ích lớn nhất chính là cho người bệnh. Trên thực tế kinh phí chúng ta đầu tư cho ngành y tế còn rất hạn chế, chưa kể là với những thủ tục; chủ trương cấp kinh phí, dự trù kinh phí để thành lập đề án cho đến lúc tiến hành đấu thầu và mua được máy có thể kéo dài hàng năm trời. Nếu làm một thống kê thì số lượng máy móc, trang thiết bị được các bệnh viện mua bằng tiền ngân sách hoặc tự chủ bệnh viện chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi bây giờ hơn 90% là máy xã hội hóa.

Phóng viên: Có thể nói việc liên doanh liên kết cũng như hợp tác đặt máy và cho mượn máy tại các bệnh viện công đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nói chung, nhưng theo bà thì vì sao Bộ Tài chính liên tiếp có công văn yêu cầu không thực hiện máy mượn hoặc cho phép máy đặt trong BV công lập?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Khi nhìn một sự vật hiện tượng, tôi nghĩ cần phải nhìn nhiều chiều. Việc liên doanh liên kết đặt máy mang lại hiệu quả rất lớn trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Nhưng đi kèm theo nó là những rủi ro về pháp lý, và đúng như Bộ Tài chính nói là hình thức này chưa được quy định trong pháp luật.

Nhưng điều tôi không thống nhất với Bộ Tài chính là cách giải quyết. Nếu chưa có trong luật, thì hãy tổng kết đánh giá và đưa vào trong luật. Bây giờ chúng ta phải cho nó một cơ sở pháp lý, bởi mục tiêu cao nhất của chúng ta là phục vụ người bệnh.

Một điều băn khoăn nữa là nếu Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị khám, chữa bệnh không mượn máy hoặc cho phép đặt máy trong viện thì liệu Nhà nước có bảo đảm là sẽ trang bị đủ và kịp thời máy móc; trang thiết bị cho bệnh viện đủ đáp ứng được yêu cầu của bệnh nhân hay không? Và đương nhiên nếu như chúng ta cấm trong hệ thống công lập thì sự việc cũng sẽ tái diễn giống như tình trạng thuốc hiện nay.

Phóng viên: Theo bà điều gì đang cản trở sự quản lý minh bạch các thiết bị xã hội hóa và dịch vụ xã hội hóa?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Theo quan điểm của tôi, chúng ta đang ở một tình thế mà tất cả đều mang tính tương đối. Tôi chọn làm sao để phục vụ cho bệnh nhân được nhiều nhất và đương nhiên tiêu cực tới đâu thì chúng ta là đó xử lý tới đó, nhưng phải có một nền pháp lý rõ ràng.

Còn bây giờ các bệnh viện hầu như ngưng trệ, mua máy mới thì không dám; máy đáng sử dụng thì cũng phập phù không biết tới ngày nào bởi bảo hiểm y tế "khóa van" chi trả đối với bệnh nhân.

Phóng viên: Vậy bà bình luận như thế nào về việc Bộ Y tế, Bảo hiểm Y tế và Bộ Tài chính đẩy "quả bóng" trách nhiệm trong việc tiến hành xem xét, chấn chỉnh lại các liên doanh liên kết và cho mượn máy?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Từ Bộ Y tế cho tới Bảo hiểm cho tới Bộ Tài chính không thấy bộ nào phân tích đánh giá một cách tổng hợp để thấy được là hơn 90% số bệnh viện của chúng ta đang sử dụng máy đặt.

Bây giờ cứ hết Bộ này, Bộ kia quản không được nhưng mà chỉ đưa ra được những lý giải để trốn tránh trách nhiệm. Bộ Tài chính trả lời không có trong luật. Vậy tại sao hàng chục năm nay hình thức mượn máy, cho phép đặt máy trong bệnh viện vẫn hiện hữu? Nếu trái pháp luật thì tại sao Bộ Tài chính không cảnh báo, không cấm ngay từ đầu. Còn bây giờ đã cho các đơn vị thí điểm thì anh phải có tổng kết đánh giá, phải kết luận giữa mặt lợi mặt hại, cái nào quan trọng hơn thì chúng ta phải là tiến hành làm. Không phải tự nhiên mà tất cả các bệnh viện với một cơ chế như nhau, nhưng có bệnh viện thì lại được nhiều bệnh nhân tín nhiệm. Bởi vì ở đấy không những có bác sĩ giỏi mà còn phải có máy móc trang thiết bị hiện đại và có thuốc tốt.

Tôi không thống nhất với Bộ Tài chính về cách giải quyết. Nếu chưa có trong luật, thì hãy tổng kết đánh giá và đưa vào trong luật. Bây giờ chúng ta phải cho nó một cơ sở pháp lý, bởi mục tiêu cao nhất của chúng ta là phục vụ người bệnh..

Phóng viên: Trong giai đoạn này theo bà thì Bộ Y tế cũng như Bộ Tài chính cần có hướng giải quyết như thế nào để không ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh bởi trên thực tế thì sự ảnh hưởng này đã và đang xảy ra ở nhiều cơ sở y tế?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Tài chính thử đặt mình vào vị trí người bệnh đi đến khám chữa bệnh và nhận được thông báo bây giờ muốn xét nghiệm phải đi ra ngoài mà làm; phải tự bỏ tiền túi, thậm chí trả tiền cao gấp mấy lần. Đây chính là hệ lụy nếu chúng ta tiến hành theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Thêm nữa các bệnh viện từ trước tới giờ vẫn phải chạy đua với quá tải, nếu bây giờ bị ngưng trệ vì những quy định của Bộ Tài chính, Bảo hiểm y tế thì tôi nghĩ sau này chúng ta sẽ phải trả giá.

Tôi nhớ cách đây nhiều năm, tại kỳ họp Quốc hội khóa 13, các đồng chí trong Ban kinh tế Trung ương cũng hết sức quan tâm đến vấn đề này nhưng tới bây giờ vẫn trôi về đâu rồi.

Ngân sách phân bổ cho y tế đã nâng từ 6,3% lên gần 7,2% (tính đến năm 2020) nhưng nhiều cơ sở y tế còn lạc hậu, thiếu thốn… và phải chi cho y tế dự phòng hơn 20%, ưu tiên cho các vùng sâu vùng xa, cũng như dàn trải cho hơn 60 tỉnh thành. Để "chia lửa" cho tình trạng quá tải tại các bệnh viện do thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thì việc xã hội hoá, liên doanh liên kết, đặt máy và mượn máy là một giải pháp

Phóng viên: Theo bà nếu duy trì cơ chế máy đặt, máy mượn trong bệnh viện thì mô hình này nên thực hiện theo hình thức nào cho phù hợp?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Thực ra thì các hình thức nào đấy chỉ là cái tên gọi thôi. Nhưng chúng ta cần chính thức hóa trong luật để có những ràng buộc nhất định.

Tôi khẳng định, với tình hình ngân sách chúng ta chưa thể đáp ứng được nhu cầu mua sắm trang thiết bị của các bệnh viện và dù cho có đáp ứng được thì cũng phải mất thời gian cho tất cả những thủ tục đấu thầu, lập dự án chưa kể khi chúng ta mua một cái máy sẽ kèm theo chi phí bảo trì, bảo dưỡng rồi thì khấu hao…. một hồi thì nó cũng giống như một doanh nghiệp thôi. Ta hãy tính toán xem là con đường nào có lợi nhất, số tiền chúng ta chi ra thấp nhất nhưng lo được cho bệnh nhân nhiều nhất.

Phóng viên: Có cần một cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò trung gian để giám sát mối quan hệ này giữa tư nhân vào bệnh viện công không, thưa bà?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tôi không có ý định là đặt thêm một cơ quan gì nữa. Tôi nghĩ chúng ta có quá đủ rồi là khác. Vấn đề có chịu làm hay không thôi.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!