Năm 2020 được cả thế giới gọi bằng cái tên: “Năm Covid”. Một năm mà lịch sử nhân loại có lẽ sẽ không thể quên với những nỗi kinh hoàng chưa từng có về một dịch bệnh truyền nhiễm.

Tháng 12/2019 dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Một thời gian rất ngắn sau đó, ngày 31/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Hơn 2 tháng sau tuyên bố này, WHO chính thức công bố: dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Lúc này Việt Nam và các nước trên thế giới đều bước vào cuộc chiến với một “kẻ thù” vô hình, trong điều kiện không có thuốc đặc hiệu, không phác đồ điều trị và không vắc xin.

Sự lây lan kinh hoàng của dịch bệnh là động lực thúc đẩy các quốc gia trên thế giới cùng tham gia giãi mã virus, với hy vọng sớm có vắc xin để chế ngự nó. Bởi cuộc chiến với đại dịch COVID-19 chỉ thắng lợi khi con người phát triển được vắc xin.

Tất cả các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc … đều bước vào “cuộc đua ngầm” nhưng vô cùng “khốc liệt” này.

Việt Nam khát khao có vắc xin COVID-19 do mình làm ra. Nhưng dẫu có cái nhìn lạc quan thế nào đi chăng nữa, không ai có thể nghĩ chỉ sau một năm kể từ khi đại dịch xuất hiện các nhà khoa học ở Việt Nam lại có thể bước đầu chạm đích trong cuộc đua sản xuất vắc xin COVID-19. Cuối năm 2020, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đầu tiên tiến hành thử nghiệm vắc xin COVID - 19 trên người. Cùng với thành công vang dội trong kiểm soát dịch bệnh, thế giới thêm một lần nữa phải ngạc nhiên, thán phục trước những nỗ lực và kết quả bất ngờ mà các nhà khoa học Việt Nam đã làm được.

Thần tốc - Quyết liệt - Tài năng – là điều mà các nhà khoa học Việt Nam đã chứng minh trong cuộc đua vắc xin COVID-19 trong khi Việt Nam là một quốc gia còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Một ngày không xa, vắc xin Covid-19 “made in Vietnam” sẽ có mặt trên thị trường và rất có thể còn xuất khẩu ra thế giới. Một đất nước Việt Nam nhỏ bé với những nhà khoa học tài ba và niềm khao khát chinh phục thử thách đã tạo nên điều kỳ diệu. Thành công trong tiến trình nghiên cứu sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 đã như một “tiếng vui" giữa đại dịch.