Bác sĩ điều trị Ngô Phạm Gia Huy nhận định trường hợp bệnh nhân này rất khó khăn trong điều trị, tình trạng hoại tử nhiễm trùng vẫn tiếp diễn khó kiểm soát mặc dù đã được điều trị nội khoa tích cực và cắt lọc triệt để mô hoại tử sau mỗi lần phẫu thuật.

Quá trình điều trị cũng ảnh hưởng một phần do hoàn cảnh gia đình bệnh nhân hết sức khó khăn, bác sĩ buộc phải cân nhắc lựa chọn những biện pháp điều trị tại chỗ phù hợp. Sau khoảng ba tháng điều trị bảo tồn tối đa, người bệnh được xuất viện. Tuy bàn chân không còn lành lặn như trước nhưng có thể đi lại được để tiếp tục mưu sinh nuôi sống gia đình.

Theo Phó giáo sư Khanh, những năm qua, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng hoại tử, có người phải tháo cả hai ngón chân đó để bảo tồn được cả bàn chân, thậm chí phải tháo khớp hay đoạn chi. Chẳng hạn, bệnh nhân 62 tuổi ban đầu chỉ hoại tử một ngón chân cái nhưng do thói quen đi chân không mang dép và ít cắt móng chân nên bị tiếp ngón thứ hai, phải tháo bỏ. Nhờ tuân thủ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ, hai năm qua người đàn ông không bị hoại tử thêm, vẫn đang tái khám định kỳ.

Sau đại dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân loét bàn chân đái tháo đường tăng trở lại, vừa là bệnh khởi phát mới, hoặc bệnh trong giai đoạn giãn cách xã hội không tiếp cận được y tế. Đa số trường hợp loét bàn chân đái tháo đường nhập viện ở mức độ nặng, với tình trạng nhiễm trùng hoại tử tại chỗ, có nguy cơ lan rộng nhiễm trùng toàn thân, đe dọa đến tính mạng. Hầu hết đều phải phẫu thuật cắt lọc cấp cứu và dẫn lưu, giải áp ổ nhiễm trùng tại chỗ, tránh vào nhiễm trùng huyết.

Thời gian điều trị tùy vào mức độ bệnh, nhưng thường là rất lâu, có thể từ vài tuần đến vài tháng, gây tốn kém và di chứng để lại ảnh hưởng chất lượng cuộc sống nghiêm trọng, có thể mất ngón chân, một phần hoặc toàn bộ bàn chân. Vì vậy, việc phòng ngừa và phát hiện các vết loét ở giai đoạn sớm rất quan trọng, vì khi nhiễm trùng hoại tử ở mức độ nặng thì di chứng để lại cũng vì vậy mà rất nặng nề.

"Khoảng 50% số người mắc đái tháo đường có tổn thương thần kinh", bác sĩ chia sẻ. Tổn thương này gặp ở bất kỳ bộ phận nào trong cơ thể, phần lớn xuất hiện ở đôi bàn chân. Vì vậy, khi có vết thương ở vùng bàn chân, bệnh nhân thường giảm hoặc không có cảm giác, do đó tự đánh giá sai về tình trạng vết thương dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Có những bệnh nhân đái tháo đường biến chứng thần kinh, mạch máu nuôi bàn chân còn tốt nhưng vì cảm giác tê nên người bệnh đã tự đắp thuốc không rõ loại, hoặc ngâm chân lâu trong nước nóng khiến bàn chân bị bỏng hoặc nhiễm trùng nặng nề, hoại tử lan rộng, dẫn đến kết cục buộc phải đoạn chi.

Để chăm sóc tốt bàn chân đái tháo đường ở nhà, nên kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện sớm các vết nứt, sưng, đỏ... Rửa chân bằng nước ấm. Cắt móng chân cẩn thận, không cắt quá ngắn. Không đi chân đất, nên mang tất (vớ) sạch, mềm. Mang giày ôm vừa chân, chất liệu êm, kiểm tra giày trước khi xỏ chân. Giữ chân ấm áp và khô ráo, tuy nhiên nếu da quá khô có thể thoa dưỡng ẩm, đặc biệt chú ý vùng gót chân, nhưng không thoa vào giữa các ngón.

Tuyệt đối không tự ý cắt, lọc bỏ các đốm đen hoại tử nếu chưa được bác sĩ hướng dẫn. Không ngâm nước nóng, không tự điều trị, không tự thoa thuốc lên bàn chân. Tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như tổn thương da, hay có cục sần ở bàn chân, nhiễm trùng hoặc đốm đen hoại tử... để tránh biến chứng nặng hơn.

Bệnh nhân cần đến khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng vùng da ở bàn chân thay đổi màu sắc, sưng nề, thay đổi nhiệt độ, có nốt chai sần vùng bàn chân. Cảm giác đau hoặc châm chích ở bàn chân, mắt cá chân. Móng quặm, nhiễm nấm vùng bàn chân hoặc khô, nứt nẻ da bàn chân. Có các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, vết thương chảy dịch.