Đà Nẵng: cố gắng dùng thuốc hợp lý

Vừa qua tại nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng xảy ra tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế. Đơn cử như tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng thiếu thuốc Mycophenolat, bệnh nhân ra ngoài mua thuốc thay thế giá cao. Tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng xảy ra tình trạng nhà thầu không cung ứng kịp thời, bệnh nhân phải tự mua hoặc hoãn mổ...

Lãnh đạo một bệnh viện tuyến cuối ở Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên) cho biết có một số loại thuốc tại bệnh viện đã hết, hiện đang làm các thủ tục thầu theo quy định và dự báo tới tháng 9 sẽ có kết quả. Đồng thời vị này nhìn nhận việc đảm bảo cung ứng thuốc bảo hiểm y tế hiện chậm hơn so với mọi năm do nhiều nguyên nhân khách quan.

"Để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân đến khám và chữa bệnh, với các loại thuốc có nguy cơ thiếu hụt thì khi điều trị các bác sĩ phải sử dụng thuốc cho phù hợp và hợp lý trong điều trị lẫn chi phí.

Trong trường hợp cấp thiết mà không có thuốc hoặc vật tư y tế mới tính đến phương án chuyển bệnh nhân đi nơi khác". Ngoài ra, theo vị lãnh đạo bệnh viện này, với một số trường hợp đặc biệt phía bệnh viện vẫn được chỉ định thầu đối với một số loại thuốc, vật tư y tế theo quy định.

ĐBSCL: Trước mắt phải xin chủ trương áp thầu dùng tạm

Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, nhiều người bệnh khám bằng thẻ bảo hiểm y tế bất ngờ khi không nhận được thuốc mà phải ra ngoài mua, có người thì được cấp 50% toa thuốc.

Nguyên nhân khách quan là trước đó Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ được UBND TP Cần Thơ cho chuyển đổi công năng toàn bộ để làm bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa và nặng của TP (từ tháng 8-2021), mọi công tác khám và điều trị bệnh thông thường đều bị dừng lại.

Nguyên nhân tiếp theo là bắt đầu từ năm nay, Sở Y tế Cần Thơ giao cho các bệnh viện chủ động tự đấu thầu, chứ không đấu thầu tập trung như trước đây, các bệnh viện lúng túng trong thực hiện theo quy trình vì "giờ không ai dám làm tắt thủ tục đấu thầu", một lãnh đạo bệnh viện chia sẻ.

Bác sĩ Ông Huy Thanh - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết hiện tại bệnh viện cũng đang hết một số loại thuốc thông thường, trước mắt bệnh viện vận động gia đình người bệnh tự mua. "Đấu thầu bệnh viện hiện chúng tôi đã bán hồ sơ thầu, xong hết các thủ tục chắc cũng từ 2 - 3 tháng", ông Thanh nói.

Tương tự, tình trạng thiếu thuốc cho khám và điều trị bệnh nhân cũng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, đã mấy tháng nay bệnh viện đi vay mượn thuốc từ một số công ty quen, đơn vị bạn, đến khi Sở Y tế tổ chức đấu thầu có thì đem trả lại, còn chỉ dùng được trong 2 tháng lại tiếp tục hết.

Để giải quyết tình trạng này, ông Huỳnh Minh Phú - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho hay trước mắt đã có tờ trình kiến nghị xin chủ trương UBND TP giải quyết gói mua sắm trực tiếp để giảm áp lực tạm thời, với tổng giá trị hơn 50 tỉ đồng, sử dụng trong 2 - 3 tháng trong khi chờ đấu thầu.

Hiện tại bệnh viện đã gửi kiến nghị về Sở Y tế và trình qua UBND TP, khi có chủ trương thống nhất giá gói thầu tạm này, bệnh viện sẽ tiến hành áp thầu và mua sắm ngay trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang cho hay trong thời gian chờ Sở Y tế đấu thầu tập trung, bệnh viện cũng làm tờ trình xin chủ trương cho mua thuốc áp thầu trị giá khoảng 1 tỉ đồng phục vụ công tác khám, điều trị trước mắt.

"Chỉ có cách này và vận động người bệnh mua thêm thuốc bên ngoài, hoặc nếu không chuyển tuyến trên... chứ trước mắt không ai dám làm tắt các thủ tục", vị lãnh đạo này nói.

Cần phải đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Phạm Văn Học (Phó chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam) cho rằng, vướng mắc lớn nhất dẫn đến việc "khát" thuốc bảo hiểm y tế hiện nay là do hệ thống pháp lý trong Luật khám chữa bệnh chưa quy định đầy đủ.

Cụ thể trong Luật khám chữa bệnh năm 2009 chưa có quy định cụ thể nào về xã hội hóa, khái niệm về tự chủ trong bệnh viện công và về việc cơ chế quản lý tài chính, đấu giá, đấu thầu, thuốc men và vật tư tiêu hao.

"Thực tế hiện nay, tất cả các bệnh viện công đã có xã hội hóa và có một số bệnh viện tự chủ. Tuy nhiên, bản thân tôi đang tham gia góp ý kiến dự thảo luật sửa đổi lần này vẫn thấy trong dự thảo cũng chưa đưa ra ý kiến về những khái niệm và quy định trên. Như vậy, từ trước đến nay đã khó, đang khó và sẽ còn khó nếu luật sửa đổi không quy định cụ thể những vấn đề này".

Bên cạnh đó, toàn bộ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiếu bị đều do các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhập khẩu và cung cấp trên thị trường. Tính đến thời điểm này, không còn doanh nghiệp nhà nước nào làm việc này.

Trong khi đó còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc đấu thầu, các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế đã có, tuy nhiên không hướng dẫn cụ thể nên dẫn đến các bệnh viện công không biết làm thế nào, nên cách tốt nhất là không tham gia.

Để tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế cấp bách hiện nay, Chính phủ cần vào cuộc bằng những nghị quyết trong tình huống khẩn cấp, tháo gỡ để ngay lập tức các bệnh viện nhanh chóng mua được thuốc men, vật tư tiêu hao.

Tiếp đến, Quốc hội cần phải chỉn chu hoàn chỉnh Luật khám chữa bệnh để ngoài việc hành nghề, phải giải quyết được các vấn đề liên quan đấu giá, đấu thầu, thuốc men, vật tư tiêu hao, thiết bị y tế, vấn đề xã hội hóa và tự chủ của bệnh viện.

Gia hạn danh mục thuốc hết hạn đăng ký

Trước tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế diễn ra tại nhiều bệnh viện trên cả nước, ngày 2/6, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn công bố danh mục gồm 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế gồm: 4.631 thuốc sản xuất trong nước, 1.427 thuốc nước ngoài và 193 vaccine, sinh phẩm y tế.

Đây là danh mục các loại thuốc, vaccine, sinh phẩm đã hết hạn đăng ký từ ngày 31/12/2021 đến 30/6/2022 sẽ tiếp tục được gia hạn đăng ký.

Dự kiến trước ngày 15/7 sẽ ban hành các thuốc còn lại trong gần 10.000 giấy đăng ký sắp hết hiệu lực chỉ trong năm 2022.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang trong quá trình lấy ý kiến dự thảo Luật dược sửa đổi, ban hành thông tư thay thế thông tư 32/2018 nhằm hoàn thiện khung pháp lý theo yêu cầu hiện nay và tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn, giải quyết một cách triệt để nguy cơ thiếu thuốc.